Đảng Kho thóc bắt đầu gặp khó khăn trước, ở những bang mà họ đã
chiếm được trong cuộc tuyển cử vừa rồi. Có tất cả mười hai bang, nhưng
những đảng viên Kho thóc trúng cử không tài nào nhậm chức được. Những
người đương chức không chịu rút. Họ chỉ viện một lí do đơn giản là tuyển
cử không hợp lệ, và làm cho tình hình rối mù lên bằng những thủ tục pháp
lí. Các đảng viên Kho thóc đều bất lực. Nơi trông cậy cuối cùng của họ là
toà án, nhưng toà án lại do phe địch nắm.
Lúc này là lúc nguy hiểm. Nếu những đảng viên Kho thóc bị đánh lừa
kia mà nổi khùng lên thì mọi việc đều đi đứt. Những người xã hội chủ nghĩa
chúng tôi phải tìm hết cách để kìm họ lại. Có nhiều ngày nhiều đêm Ernest
không lúc nào chợp mắt. Những người lãnh đạo cao cấp của Đảng Kho thóc
nhìn thấy tai hoạ, và hành động hoàn toàn nhất trí với chúng tôi. Nhưng
cũng bằng vô ích. Tập đoàn thiểu số thống trị muốn bạo động. Không phải
bàn cãi lôi thôi gì nữa: chính bọn nhân viên khiêu khích đã gây nên cuộc
khởi nghĩa nông dân.
Cuộc khởi nghĩa nổ ra trong mười ba bang, những chủ trại đã bị tước
đoạt tài sản dùng bạo lực chiếm lấy chính phủ các bang. Cố nhiên như vậy
là trái với hiến pháp, và cố nhiên chính phủ Hoa Kỳ đưa quân đội ra chiến
trường. Bọn nhân viên khiêu khích đi xui giục nhân dân ở khắp nơi. Chúng
là những phái viên của cái Gót sắt cải trang làm thợ thủ công, chủ trại và
công nhân nông nghiệp. Ở Sacramento, thủ phủ bang California, các đảng
viên Kho thóc nắm được chính quyền. Tức thì hàng nghìn mật thám được
tung vào thành phố. Trong những cuộc bạo động hoàn toàn chỉ gồm có
chúng, chúng đốt phá, cướp bóc các dinh thự và nhà máy. Chúng khích
động nhân dân đến độ họ hùa theo chúng đi ăn cướp. Chúng đem rượu phân
phát thùng lớn thùng nhỏ cho dân nghèo để kích thích tâm trí họ. Và rồi khi
mọi việc đã sẵn sàng, binh lính của nước Hoa Kỳ bắt đầu ra sân khấu. Thực
ra đó là binh lính của cái Gót sắt. Mười một ngàn người, đàn ông, đàn bà.
trẻ con, bị bắn giết trên các đường phố ở Sacramento hoặc bị tàn sát ngay