như không nhận ra rằng chúng tôi đã bị cảnh sát bắt. Tôi chợt trông thấy
một tên lính cảnh sát sắp sửa bắt Hartman. Hartman bình tĩnh nói mật hiệu.
Tôi thấy cái súng lục đang giơ lên bỗng ngập ngừng rồi chúc xuống, và
nghe thấy tên cảnh sát càu nhàu một cách khinh bỉ. Y cáu tiết chửi tất cả cơ
quan mật vụ. Y khẳng định rằng cơ quan mật vụ chỉ làm cho vướng chân
cảnh sát, còn Hartman thì đối đáp lại với một vẻ kiêu hãnh mà các nhân
viên mật vụ vẫn thường có, giải thích cho y nghe bên phía cảnh sát vụng về
thô lỗ như thế nào.
Một lúc sau thì tôi biết rõ những việc xảy ra. Một đám đông vây quanh
chiếc xe bị nạn và hai người khiêng viên sĩ quan bị thương cho sang chiếc
xe khác. Bỗng mọi người hốt hoảng cả lên và chạy tản đi khắp các phía,
chạy thục mạng, quăng cả viên sĩ quan lại phía sau, đánh huỵch một cái.
Tên cảnh sát đang đứng chửi rủa trước mặt tôi cũng bỏ chạy.
Không hiểu vì sao cả tôi và Hartman cũng chạy, chạy lấy chạy để cho
thoát khỏi cái nơi ghê rợn ấy.
Thật thì lúc ấy chẳng có việc gì xảy ra cả. Những người bỏ chạy lại lục
đục quay về như một lũ cừu, nhưng họ luôn luôn đưa đôi mắt hoảng sợ
ngước nhìn những toà nhà đồ sộ đục đầy cửa sổ đứng sừng sững như những
vách núi hai bên đường phố. Quả bom đã từ trên một cửa sổ ném xuống,
nhưng biết là cửa sổ nào? Không có quả bom thứ hai, chỉ có nỗi lo sợ bị
thêm một quả bom nữa thôi.
Từ đó chúng tôi nhìn các cửa sổ với một nỗi lo canh cánh trong lòng.
Bất cứ khoang cửa sổ nào cũng có thể là nơi chứa thần chết. Bất cứ toà nhà
nào cũng có thể là ổ mai phục. Đây là chiến tranh, chiến tranh trong một
khu rừng hiện đại, một thành phố lớn. Mỗi phố là một cái khe, mỗi toà nhà
là một quả núi. Chúng ta thật chưa khác những người nguyên thuỷ là bao
nhiêu, mặc dầu có những ô-tô quân sự phóng như bay trong các phố.