nhã: đúng là thái độ của những kẻ đỡ đầu. Tôi thấy Ernest cũng nhận ra
điều ấy và anh lấy thế làm khoái lắm. Anh chậm rãi nhìn bốn xung quanh
và mắt anh sáng lên một cách ranh mãnh.
- Tôi quả thật không quen với những cuộc tranh luận tao nhã của Giáo
hội, – anh bắt đầu được mấy lời đã ngập ngừng ngay, vẻ mặt khiêm tốn và
do dự.
Họ giục: “Ông cứ tiếp tục đi!” và bác sĩ Hammerfield bảo: “Chân lí dù ở
miệng ai nói ra chúng tôi cũng đều không ngại. Miễn là nó trung thực”.
- Vậy ra ngài tách rời trung thực khỏi chân lí ư? – Ernest cười hỏi rất
nhanh.
Bác sĩ Hammerfield luống cuống trả lời:
- Giỏi đến đâu cũng phải có lúc nhầm, ông bạn trẻ ạ. Người giỏi nhất
trong chúng ta cũng phải có lúc nhầm.
Ernest bỗng thay đổi hẳn. Anh đã thành một người khác.
- Vâng, được, – anh đáp. – Và tôi xin phép bắt đầu bằng câu này: là các
ngài nhầm tuốt. Các ngài không biết gì về giai cấp công nhân, không biết
một tí gì hết. Khoa xã hội học của các ngài sai bét và vô giá trị, cũng như
phương pháp suy luận của các ngài.
Những lời anh nói chính lại không nặng bằng cách anh nói. Tôi giật cả
mình trước hết vì giọng nói của anh. Nó cũng táo tợn không khác gì hai con
mắt anh. Nó là một tiếng kèn chiến đấu và nó làm cho toàn thân tôi rung
lên. Bàn tiệc xao động. Cái không khí đều đều buồn tẻ bị phá vỡ.
- Ông bạn trẻ tuổi! Phương pháp suy luận của chúng tôi có chỗ nào sai
lầm và vô giá trị ghê gớm đến thế kia, thưa ông? – Bác sĩ Hammerfield hỏi,
vẻ khó chịu thoáng hiện ra giọng nói và cách phát biểu của ông.