Nhưng tình hình ở ngoài có vẻ đáng lo. Năm 1908, đảng Thanh niên Thổ
làm cách mạng, thành công, vua Méhémet V lên thay Abdul Hamid, và nội
các mới của Thổ muốn gây lại lực lượng, củng cố các thuộc địa trong số đó
có Ả Rập
Lại thêm những hoạt động của Anh mỗi ngày một tăng. Anh trước kia giúp
Mubarrak chống lại với Rashid là có ý dòm ngó Koweit. Quả nhiên năm
1903, Koweit phải nhận sự bảo hộ của Anh. Rồi Anh với Nga thỏa thuận
nhau để chia xẻ Ba Tư: phía Bắc Ba Tư về Nga, phía Nam về Anh. Anh lại
chiếm kinh Suez và “đấm mõm” cho Pháp xứ Maroc.
Ibn Séoud đâm lo: bầy chó sói đó bao vây khắp phía rồi, không còn đường
ra biển nữa, chịu chết cháy trên bãi cát và đá này ư? Chưa hết cái nạn Thổ,
đã đến cái nạn Anh, mà tụi Anh mạnh mẽ, xảo quyệt gấp mười tụi Thổ.
Càng nguy thì càng phải tính gấp. Phải mở một đường ra biển. Con đường
gần nhất là chiếm cứ xứ Hasa ở phía Đông Nedjd. Xứ đó là thuộc địa của
Thổ, mà Koweit ở phía Bắc Hasa là xứ bảo hộ của Anh. Chiếm Hasa thì sợ
Anh can thiệp, như vậy phải đương đầu với cả Anh lẫn Thổ. Đành phải nhờ
Mubarrak dò ý người Anh trước đã. Mubarrak bảo chính phủ Anh rằng cần
phải đuổi người Thổ ra khỏi vịnh Ba Tư, mà chính người Anh chiếm Hasa
thì các nước khác sẽ la ó, còn để Ibn Séoud chiếm thì chỉ là nội bộ giữa các
dân tộc Ả Rập với nhau, sẽ không lớn chuyện. Anh nghe bùi tai, bằng lòng
làm ngơ.
Ibn Séoud bèn cho người vào nội địa Hasa do thám, rồi xuất kỳ bất ý,
đương đêm cho quân lính leo thành, tới sáng thì chiếm được kinh đô Hasa
mà dân chúng ngủ say không hay gì cả.
Các nhà cách mạng Syrie thấy chiến công của ông oanh liệt, muốn nhờ ông
tiếp tay để đuổi Thổ ra khỏi Syrie, ông từ chối, tự xét sức chưa đủ, cần phải