tổ chức lại nội bộ cho mạnh đã.
Thần dân của ông gồm có hai hạng người: hạng làm ruộng, buôn bán định
cư ở làng mạc, châu thành - hạng này là thiểu số - và hạng du mục, lang
thang khắp nơi, nay đây mai đó. Hạng trên trung thành với ông, còn hạng
dưới thì không thể tin được. Họ rời rạc như những hạt cát, hễ nắm chắt lại
thì còn ở trong tay mà mở tay ra thì trôi theo những kẽ tay mất. Tinh thần
cá nhân của họ rất mạnh, họ rất phóng túng, không chịu một sự bó buộc
nào, tính tình thay đổi, nay thân người này, mai đã phản lại, sản xuất thì ít
mà phá hoại, cướp bóc thì nhiều, không thể dùng làm lính được vì không
chịu kỷ luật, chỉ hùa theo kẻ thắng để lột kẻ bại.
Muốn cho quốc gia Ả Rập mạnh lên, phải nhào họ thành một khối bằng
tinh thần tôn giáo như Mahomet hồi xưa đã làm, rồi phải định cư họ, biến
họ thành nông dân để kiểm soát họ, bắt họ sản xuất, khỏi cướp bóc nữa.
Chương trình này thực sự mới mẻ và táo bạo, từ xưa các vua Ả Rập chưa ai
nghĩ tới.
Ibn Séoud biết rằng sức phản động của các giáo phái sẽ mãnh liệt vì chẳng
những ông đi ngược tục lệ cổ truyền mà còn làm trái cả lời trong thánh kinh
Coran. Trong kinh có câu: “Cái cày vào gia đình nào thì sự nhục nhã vào
theo gia đình ấy. Ông phải triệu tập các nhà tu hành lại, giảng cho họ hiểu
kế hoạch phú quốc cường binh của ông, trả lời tất cả những lời chất vấn, đả
đảo tất cả những lý lẽ cổ hủ của họ, vừa mềm mỏng, vừa cương quyết, như
vậy suốt một tuần lễ họ mới chịu nghe và bằng lòng tạo một đội quân
phụng sự Chúa, đội Ikwan. Họ đi khắp xứ tuyên truyền cho chính sách mới,
chính sách lập đồn điền, và họ khéo tìm đâu cho được một câu cũng như
Mahomet đại ý nói rằng “tín đồ nào cày ruộng là làm một việc thiện” để
bênh vực chủ trương của nhà vua.
Mặc dầu vậy, dân chúng vẫn thờ ơ. Họ vẫn thích cái đời phiêu bạt hơn, vẫn
sống theo câu tục ngữ: “Tất cả hạnh phúc trong đời người là ở trên lưng