GƯƠNG CHIẾN ĐẤU - Trang 199

Lafayette, một vị anh hùng của Pháp, mà hồi trẻ cũng đã như ông, phá sản
để giúp Huê Kỳ giành độc lập, lúc đó ghé qua Anh để qua chơi Huê Kỳ,
cũng lại chào vong linh của ông. Người ta đưa ông về Newstead, đặt ông
nằm bên cạnh tổ tiên.

*
* *

Hồi sắp mất, Byon ân hận rằng Lépante vẫn chưa chiếm được. Nhiều lần
thất vọng, ông phàn nàn sự hi sinh của ông không giúp được gì cho Hi Lạp.
Hai năm sau (1826), Missolonghi bị Thổ bao vây, dân chúng liều thân phá
vòng vây để đi nơi khác. Trước khi rút lui, hai vị anh hùng giữ xưởng khí
giới do Byron thành lập, dùng thuốc súng làm nổ tung cả xưởng rồi chết
theo luôn.

Nhưng sự hi sinh của Byron đã có tiếng vang khắp châu Âu, nhất là ở Anh,
khiến cho nhà cầm quyền Anh phải bỏ chính sách ích kỉ đi mà qua giúp Hi
Lạp. Vị thượng thư Canning dựa vào phong trào đó, lật ngược lại chính
sách ngoại giao. Thần thánh đồng minh đổ vỡ: Anh, Pháp, Nga thành lập
một liên minh mới, cùng nhau đem quân tới giúp Hi Lạp, chiếm Moreé,
Constantinople và buộc vua Thổ phải thừa nhận sự độc lập của Hi Lạp (3-
2-1830).

Ở trên tôi đã nói vài nhà báo Pháp khen là một vĩ nhân ngang hàng với Nã
Phá Luân. Mới xét lời đó hơi quá đáng nhưng ngẫm kỹ thì trong khoảng
bốn chục năm, từ 1790 đến 1830, châu Âu chỉ có hai vị đó là mới ngoài ba
mươi tuổi mà làm đảo lộn cả thời cuộc; nhưng Nã Phá Luân đã huỷ công
trình của cuộc cách mạng 1789, Byron trái lại tiếp tục công trình đó; bao
nhiêu chiến thắng vẻ vang của Nã Phá Luân chỉ đưa tới sự thành lập Thần
thánh đồng minh, mà sự thất bại của Byron là làm sụp đổ cái đồng minh
thần thánh ấy và giành lại được nền độc lập cho dân tộc mà tổ tiên là ân
nhân muôn thuở của châu Âu. Cho nên tôi quí Byron hơn Nã Phá Luân.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.