Sáu giờ chiều hôm 19-4, ông bảo người chung quanh: “Bây giờ tôi muốn
ngủ một giấc”, rồi trở mình, ngủ giấc cuối cùng của đời ông. Mưa lại trút
xuống, mặt trời đã lặng, thỉnh thoảng một tia chớp chiếu qua cửa kính, soi
sáng vẻ mặt nhợt nhạt của ông. Xa xa ngoài kia, quần đảo Ioniennes hiện
lên đen ngòm.
Một bó thư ở Anh tới đúng vào lúc ông hấp hối, nên người ta không đọc
cho ông nghe được. Có một bức thư của Hobhouse (bạn thân của ông) cho
hay rằng một chính khách đương quyên tiền để giúp ông và dân chúng Anh
coi ông như một vị anh hùng. Nếu tới sớm được một vài giờ thì ông cũng
đỡ ân hận khi nhắm mắt.
Mavrocordato báo tin ông mất cho dân chúng Hi Lạp rồi bắn 37 phát súng
(ông mới tới tuổi 37 được vài tháng). Người ta muốn chôn ông tại đền
Panthéon; nhưng bạn thân của ông ướp xác ông rồi chở về Anh.
Tại Anh tin ông mất làm cho nhiều người sửng sốt. Jane Welsh viết thư cho
Thomas Calyle: “Nếu mặt trời hay mặt trăng bỗng biến đâu mất thì tôi cũng
không thấy một sự trống rỗng ghê gớm bằng khi hay tin rằng Byron đã từ
trần”. Tennyson, lúc đó 15 tuổi, chạy vào trong rừng để suy nghĩ về sự
nghiệp của ông và viết lên một phiến đá những chữ: “Byron mất rồi”.
Danh của Byron mấy năm trước bị Shelley và Wordsworth làm cho lu mờ,
nay rực rỡ hơn bao giờ hết.
Người ta thấy rằng hai thi sĩ này không thể sánh với ông được. Tại Pháp,
nhiều thanh niên cài một cái băng tang trên nón. Vài tờ báo nhận ra điều
này là hai vĩ nhân của thế kỉ: Nã Phá Luân và Byron chết cách nhau có mấy
năm (Nã Phá Luân mất năm 1821). Trong các trường Đại học, sinh viên
họp nhau để đọc lại Childe Harold và Manfred.
Khi thi hài ông về tới Luân Đôn, dân chúng đi rước, đen nghịch ở bến tàu.