Năm 1770, bạn bè quyên tiền để đúc tượng bán thân cho ông. Hàng ngàn
người, từ vua chúa tới thường dân tranh nhau cái vinh dự được quyên. Ông
ngần ngại không muốn, nhưng không ai nghe và vầng trán cao, nụ cười mỉa
mai của ông đã được lưu lại hậu thế.
Ít tháng trước khi mất, Voltaire muốn thăm Paris mà ông đã xa cách ba
chục năm. Các y sĩ khuyên không nên đi, ông cương quyết: “Nếu tôi muốn
làm một việc điên khùng thì không ai ngăn cản được tôi”. Ông nhớ Paris
quá, muốn chết tại kinh đô văn hoá đó. Ông đi từng chặng một, tới Paris thì
xương cốt muốn rã rời. Ông lại nhà một bạn cố tri, bảo: “Tôi ngừng chết để
lại thăm bác đây”. Hôm sau ba trăm người lại kính cẩn chào ông đến nỗi
vua Louis XVI
phải ghen. Trong số tân khách đó có một danh nhân ở
Hoa Kỳ mới qua với một đứa cháu. Danh nhân đó là Franklin, kém ông 12
tuổi và cũng suốt đời chiến đấu cho tự do.
Tuy bệnh tật, đi không vững ông cũng rán lại Hàn lâm viện. Quần chúng
hoan hô nhiệt liệt, có kẻ lên xe, cắt một miếng áo của ông để làm kỷ niệm.
Tới viện ông đề nghị sửa lại bộ tự điển và hăng hái như hồi còn trẻ, tự lãnh
việc coi lại phần chữ A.
Ở hý viện, người ta diễn kịch Irène của ông. Ông tới coi, khán giả kinh
ngạc không hiểu sao một ông lão 83 tuổi mà còn soạn được kịch, reo hò
vang rạp khi thấy ông, làm một người ngoại quốc tưởng rằng họ điên, phải
bỏ ra về. Được hưởng hết những vinh dự mà nhân loại chưa bao giờ ban
cho một người đồng thời như vậy, ông bình tĩnh tắt nghỉ ngày 30-5-1778.
Nhưng ở Paris người ta không cho mai táng danh nhân đó theo lễ và bạn bè
ông phải đặt thây ông ngồi trong một chiếc xe như còn sống, chở tới
Scellière, nơi đó một mục sư khoáng đạt hiểu rằng thiên tài không bắt buộc
phải theo luật lệ, bằng lòng cho chôn ở đất thánh. Năm 1791, thi hài ông
được đem về điện Panthéon ở Paris. Một trăm ngàn người đi theo quan tài
và sáu trăm ngàn người đứng đón ở vệ đường. Nhiều ông vua có ngôi cũng