Cặp thiên lý nhãn đó, người Âu và Mỹ đã có, nhờ máy điện thị. Máy đó,
giá từ 150.000 tới 200.000 quan, bề ngoài tựa như máy thu thanh, nhưng có
một tấm gương thần, nhìn vào đó bạn sẽ thấy những việc đương xảy ra.
Người Mỹ thích máy điện thị lắm và nhiều cặp vợ chồng trẻ ở sở, ở hãng
về, là vặn ngay máy lên nhìn, vừa thay quần áo vừa nhìn, rồi cứ nằm dài
trên giường mà nhìn cho tới khi đi ngủ mới thôi, khách khứa nhất định
không tiếp, sách báo nhất định không đọc, đến nỗi các nhà sản xuất phim
hát bóng ở Hollywood phải rung động cả và các nhà giáo dục đạo mạo phải
la lên rằng “tình hình văn hóa thế này thì nguy mất”.
Quả thực, từ xưa tới nay, chưa có nhà phát minh nào làm thay đổi đời sống
con người bằng John Logie Baird.
*
* *
Ông sanh năm 1888 ở tại Dumbartonshire (Anh) ở trên cửa con sông thơ
mộng Garloch, trong một làng chài lưới. Thân phụ ông là một giáo sĩ đạo
mạo, cưng ông lắm vì ông là con út, và thông minh.
Cậu John Logie yếu ớt, hay đau vặt, cho nên buổi học buổi nghỉ, rất sợ thể
thao, mà rất thích máy móc.
Năm mười hai tuổi, cậu và bốn người bạn đã tự đặt một đường điện thoại
nối các gác xếp của nhau để chơi. Một đêm đông, dây điện đứt, lòng thòng
xuống đường, quấn vào cổ một người đánh xe, làm người này té. Sáng hôm
sau, nạn nhân lại sở Bưu Điện đòi bồi thường. Viên thanh tra Bưu Điện lại
tận chỗ xem xét mới biết trò tinh nghịch của các cậu. Giáo sĩ Baird rầy con
dữ và bắt gỡ đường điện thoại.
Nhưng cậu không thất vọng, bày trò chơi khác. Cậu chế tạo một máy phát
điện nhỏ chạy bằng sức nước ở dưới sông. Nhờ vậy nhà cậu là nhà đầu tiên
có đèn điện ở trong miền. Ông Baird lần này không rầy cậu mà còn lấy làm