ăn…”. Nhiều người tới xin hợp tác, nhưng hầu hết là những kẻ muốn lừa
bịp hoặc nửa điên nửa khùng. Nực cười nhất là một anh chàng nọ tự xưng
là “Vua xe bù ệt”, tới đề nghị với Baird bỏ ra một ngàn Anh kim để cùng
với y đóng thùng cây.
Nhưng nhờ lời rao đó mà Baird bắt đầu có việc làm. Ông bán được hai tấn
mật ong ở Úc chở tới, rồi bán vỏ dừa dùng làm phân, sau xoay qua bán xà
bông nhập cảng từ Pháp. Hồi đó nhằm lúc kinh tế khủng hoảng sau chiến
tranh, làm ăn không khá, mà ông lại đau nặng, phải nghe lời bác sĩ, ngưng
buôn bán, rời Luân Đôn, đi dưỡng bệnh ở miền biển.
Ông lựa Hastings, một nơi phong cảnh đẹp mà đời sống rẻ, ngày ngày ăn
xong rồi bách bộ ở bờ biển, tình toán cả chục chuyện: chế tạo dao cạo bằng
thủy tinh, nhưng dao không cạo đứt râu mà lại cắt một vết lớn trên mặt ông;
rồi chế tạo vớ cao su bơm hơi, nhưng mới xỏ chân vô đi thử vài bước thì
bể, ông phải vội vàng vô một cầu tiêu công cộng để thay rồi liệng đi. Ông
còn muốn chế tạo một máy điện thị nữa. Thời ấy máy phát thanh mới xuất
hiện. Ông tự nghĩ: “Truyền được thanh âm thì tại sao lại không truyền được
hình ảnh? Cứ thử tìm tòi xem sao”.
Ông do dự, viết thư hỏi ý kiến một bà chị xem nên làm dao cạo bằng thủy
tinh hay nên kiếm cách truyền hình bằng vô tuyến điện.
Bà chị đáp: “Nên làm dao cạo hơn, tất nhiên rồi”.
Và tất nhiên là Baird lựa điện thị.
*
* *
Đã trên mười năm lo buôn bán lặt vặt để mưu sinh, ông còn nhớ gì sách vở
về điện đâu. Trong lúc đó, các nhà bác học, các nhà phát minh mọi nước,
có đủ phòng thí nghiệm, ganh đua nhau tìm cách truyền hình mà đều thất
bại. Vậy mà Baird dám xông vào khu vực đó thì cũng hùng tâm thật. Chẳng
những vậy, ông còn tin chắc là mình thành công nữa. Và ông thành công