Năm 1906, ông vô học Đại học đường ở Tufts. Ông làm những thí nghiệm
về vật lý, chế tạo được vài kiểu máy về điện.
Lúc đó tinh thần xã hội của ông đã xuất hiện rất rõ rệt. Ông nhận thấy rằng
môn toán học thuần túy có thể làm thay đổi thế giới và tạo cho con người
những năng lực phi thường. Nghĩ hè ông qua chơi bên Đức, rồi ở Đức hai
năm, trước tại Munich, sau tại Gottingen.
Ông theo học giáo sư David Hilbert về môn toán.
Kế tới đại chiến 1914-1918, ông rời Đức, qua Anh, ở Luân Đôn ít lâu, đâm
chán, năm 1915 trở về Huê Kỳ. Đã tới lúc phải kiếm nghề để sống. Ông vô
học một lớp sĩ quan, bỏ dở, ra viết giúp Bộ Bách Khoa Huê Kỳ, viết báo về
chính trị, rồi lại trở vô học lớp sĩ quan. Hết chiến tranh, ông được giải ngũ.
Dò dẫm mấy năm, bây giờ ông mới kiếm được lối đi: sẽ chuyên môn về
Toán học, vô ban nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachussets, một viện
có danh tiếng. Hiện nay ông còn ở trong viện đó.
Viện là một trường Đại học kỳ dị. Bạn thử tưởng tượng một trường Bách
Khoa tối tân, tối tân đến nỗi có lớp dạy môn khoa học dự tượng (Science-
fiction) (4). Về môn vật lý toán (5) và môn vật lý thực nghiệm (6) trường là
một trung tâm lớn bực nhất thế giới. Năm 1920, ông Wiener tuyên bố
những phát minh đầu tiên của ông về môn toán ở trường đó.
Năm 1926 ông cưới cô Margaret Wegemann, gốc Đức. Từ năm đó đến đầu
đại chiến thứ nhì (1940) ông tiếp tục nghiên cứu về Toán học thuần túy.
Sự hiểu biết của ông đã rộng mà lại sâu. Ông nói rất thạo sáu sinh ngữ, biết
tất cả các môn khoa học và nhiều môn kỹ thuật. Nhờ sự hiểu biết lạ lùng đó
mà ông sáng tạo được môn kiểm động học.
Khoa học có mục đích là tiên tri, mà môn Thiên văn có thể đoán rất đúng
những nhật thực, chỉ sai vài giây thôi. Tuy nhiên không phải là hiện tượng
nào cũng có thể tiên tri được. Ông nghiên cứu những trường hợp khó đoán
trước, nghiên cứu vì tinh thần tò mò của một nhà khoa học; không ngờ khi
đại chiến thứ nhì nổ ra, thì công trình nghiên cứu của ông có một giá trị
thực tế đặc biệt. Năm 1940, Pháp bị phi cơ và thiết giáp Đức đánh tan tành;
Anh lo lắng sẽ tới phiên mình. Cho nên phía đồng minh phải nghĩ ngay đến
việc chống phi cơ. Tất nhiên là phải bắn bằng đại bác. Nhưng khi nhắm để