bắn thì người ta không nhằm vào cái chỗ hiện thời phi cơ đương ở, mà
nhằm vào cái chỗ phi cơ sẽ tới khi đạn nổ. Vậy phải đoán trước sự chuyển
động của phi cơ. Mà đoán cách nào được bây giờ? Làm sao biết được phi
công địch sẽ lái qua bên này hay bên kia, sẽ bay lên hay bay xuống để tránh
đạn? Công việc cực kỳ khó khăn, vậy mà ông Wiener bắt tay vô.
Năm 1942, ông thảo một bản thuyết trình về căn bản toán học của một kiểu
máy có thể cho ta biết trước sự chuyển động của một phi cơ. Bản thuyết
trình đó nhan đề là Hoàng họa, vì bìa nó màu vàng. Nó khó hiểu đến nỗi cả
những kỹ sư cực kỳ tài giỏi cũng phải gắng sức mò lâu mới ra. Nhờ công
trình đó mà người ta chế tạo được kiểu máy gọi là “máy tiên tri”, thắng
được sự tấn công ồ ạt của Đức ở Ardennes, diệt được những phi cơ tự tử
của Nhật, tức những phi cơ nhỏ và nhanh quân Nhật lái đâm bổ vào những
phi cơ lớn của Đồng minh, (7) diệt được cả những bom V1 mà Đức bắn qua
Luân Đôn.
Chế tạo xong rồi, ông Wiener ngạc nhiên thấy rằng máy đó giống bộ thần
kinh của loài người quá.
Năm 1945, bom nguyên tử nổ ở Hiroshima. Tinh thần luân lý của ông xúc
động mạnh, ông từ chối, không chịu nghiên cứu cho quân đội nữa. Người ta
kể rằng có lần ông tuyên bố với các nhà quân sự như vầy: “Nếu có một em
nhỏ tám tuổi chẳng hạn, bảo rằng ở trường có những đứa lớn hơn đánh đập
nó thì tôi đưa cho nó một đôi bao tay để đấu quyền và tôi dạy cho nó môn
đấu quyền, chứ không đưa cho nó một con dao cạo. Các ông có nhiều trách
nhiệm hơn một em nhỏ tám tuổi, vậy các ông đừng lại xin tôi giao cho các
ông một con dao cạo để rồi các ông có thể cứa họng những bạn nhỏ bé của
các ông”. Không rõ có thực ông tuyên bố như vậy không, nhưng không
thấy ông đính chính.
Nói xong lời đó, ông đi nghỉ mát ở Mễ-tây-cơ. Tại Mễ-tây-cơ ông gặp vài
nhà bác học đương nghiên cứu bộ thần kinh, như ông Lorente de No, ông
Authur Rosenblutt… Ông bàn cãi với họ và thấy rằng bộ thần kinh với máy
bắn (tức máy tiên tri) của ông có điểm này giống nhau là cả hai đều biết
dùng những lỗi lầm đã qua để tự sửa lại lỗi hành động. Điều lạ lùng hơn
nữa là máy của ông khi vướng một hạt bụi chẳng hạn máy chạy bậy, thì lúc