điểm một và ráng tìm xem điểm nào là nguyên nhân của hiện tượng?
Không phải là tại sản phụ ở tiểu khu I nghe tiếng chuông của mục sư mà
phát bệnh, thế thì tại cái gì? Các phòng có khác hướng nhau không? Chất
vôi và các thứ gỗ xây cất có khác nhau không? Hay tại các tòa nhà xung
quanh tiểu khu II cản hơi độc? Vô lý! Càng suy nghĩ, chàng càng rối trí,
hoang mang.
Bỗng một hôm, chàng tìm ra được một dị điểm: Ở tiểu khu I khi đỡ đẻ,
người ta cho sản phụ nằm ngữa, còn ở tiểu khu II người ta cho họ nằm
nghiêng. Hay là tại vậy chăng? Thử thí nghiệm xem. Chàng ra lệnh cho
các sinh viên và các cô đỡ làm theo như tiểu khu II. Và chàng phải ngày
đêm giám sát họ thi hành đúng chỉ thị vì nếu chàng quay lưng đi là họ lại
làm theo lối cũ.
Nhưng rồi cũng chẳng có kết quả gì cả. Chàng phải bỏ lệnh đó và tìm một
giả thuyết khác. Chàng không nản lòng vì biết rằng càng loại được nhiều dị
điểm thì càng tới gần mục đích.
Chàng bàn với bác sĩ Skoda cho điều tra những sản phụ sanh ở lề đường, ở
bờ suối chết là bao nhiêu để làm thống kê. Klein phản đối kịch liệt, vận
động với viên Thượng thư bộ Quốc gia giáo dục cấm ngặt chuyện đó. Có
kẻ hỏi ông: “Tại sao tiểu khu II chết ít hơn tiểu khu I?”. Ông chỉ đáp:
- Chết cũng như nhau. Khi nào tiểu khu I chết nhiều hơn thì tất cũng có
những lý do chính đáng.
Semmelweis bị Klein ghét, ít lâu sau bị giáng xuống làm phụ tá thứ nhì.
Lại nhằm lúc thân phụ chàng mất, chàng chán nản, xin nghỉ về quê nhà ít
lâu. Qua năm 1847 rời Vienne nửa tháng. Khi trở lại Vienne thì hay tin một
đồng nghiệp của chàng là Kolletschka mới từ trần.
Kolletschka là một bác sĩ nhũn nhặn, tận tâm, hiền lành, mới 43 tuổi và
được toàn thể học trò và bạn bè kính mến. Trong một giờ giải phẩu, một
sinh viên thực hành vụng về, ông vội vàng thò tay để ngăn lại, không dè
lưỡi dao của sinh viên đưa mạnh quá, chạm vào đầu ngón tay của ông: Vết
thương rất nhẹ, chỉ chảy vài giọt máu. Ông vẫn tiếp tục giảng bài. Hôm sau,
thấy ngây ngất, bệnh mỗi ngày một tăng, được bảy bữa thì chết. Bị nhiễm
độc của tử thi!