Chán nản, Semmelweis từ biệt các bạn thân về Hung Gia Lợi, quê hương
của ông. Đất Vienne này bạc bẻo, nhỏ mọn lắm, ông không thể ở lại thêm
một ngày nào nữa được. Nhất định phải đi! Các bạn thân can ngăn ông,
bảo: Chịu khó kiên nhẫn đợi, thua keo này, bày keo khác, ông chỉ lắc đầu.
Hết muốn chiến đấu rồi!
Bác sĩ Kenneth Walker, tác giả cuốn La grande aventure de la Médecine
(NXB Gérard et Cie), phê bình ông như vầy: “Semmelweis không có những
thiên tư cần thiết cho một nhà cải cách”.
Frank G. Slaughter trong cuốn Cet inconnu …Semmelweis, cũng chê ông
là vội vàng bỏ cuộc; giá cứ nhận ghế giảng viên đó mà đợi thời thì các bạn
bè của ông thế nào cũng còn giúp ông được và ông sẽ thành công mau hơn.
Những lời trách đó đều đúng cả. Ông là một nhà bác học có lòng nhân đạo
chứ không có tinh thần chiến đấu. Ông đau khổ thấy hàng vạn sản phụ và
hài nhi chết mỗi năm ở trước mắt mình, biết cách trị mà phải bó tay nên đi
tìm một nơi khác người ta biết dùng mình chứ không chịu nổi cái không khí
cải vả nhau, hại ngầm nhau như cái không khí đê tiện ở Vienne nữa. Ông
đã chịu thua Klein. Các sản phụ và hài nhi ở Vienne, từ nay lại tiếp tục chết
như rạ vì vị cứu tinh của họ đã phải gạt lệ mà xa họ.
o0o
Về tổ quốc, ông gặp bạn thân cũ là Markussovsky, được giới thiệu vào nhà
hộ sinh Saint Roch của tỉnh Pesth. Nhà hộ sinh này rất nhỏ, chỉ bằng một
phần mười khu hộ sinh Vienne, cả năm chỉ tiếp nhận chừng một – hai trăm
sản phụ. Viên giám đốc là bác sĩ Birly, hiền lành nhưng óc hẹp hòi. Mặc
dầu đã đọc thuyết của ông, nhưng tuyệt nhiên không tin, cho rằng chỉ có
mỗi một cách hiệu nghiệm để trị chứng sốt sản hậu là bắt sản phụ xổ mỗi
ngày.
Cuối tháng đầu, Semmelweis làm cho số tử trụt từ 13% xuống 0,46%. Birly
trông con số ấy, tươi cười nói:
- Đó, tôi nói có đúng không? Từ khi ông mới tới, tôi đã dặn ông cứ cho họ