phát tiền cho. Có vậy thôi. Trở lại mà lãnh tiền đi.
Edison bẽn lẽn, xin lỗi rồi chạy một mạch tới ngân hàng. Viên phát ngân
biết rằng chàng khờ khạo, cũng đùa chàng một vố, trả cho chàng toàn bằng
giấy một đồng. Chàng lóng cóng thồn vào túi trên, túi dưới, túi trong, túi
ngoài,người chàng phồng lên như một cái bị, về nhà, luýnh quýnh, không
biết cất tiền vào đâu cho kỹ, đành thức suốt đêm để canh.
Sáng hôm sau, chàng lại thồn đủ số giấy bạc vào đầy các túi, lại phòng ông
Lefferts vấn kế. Ông Lefferts cười một hồi nữa rồi chỉ cách cho chàng đem
gởi bớt lại ngân hàng.
Từ đó chàng mới bắt đầu khôn.
Gởi tiền xong, chàng viết thư về báo tin mừng cho cha mẹ hay: “Bây giờ ba
má có thể nghỉ ngơi được rồi. Ba đừng làm quá sức nữa, và má muốn thứ
gì thì xin ba cứ mua cho má. Hễ thiếu tiền thì có con... Con bận việc lắm:
con có một cái xưởng dùng 18 người thợ, và đương lập một cái xưởng khác
dùng tới một trăm rưỡi thợ. Con đã thành một “kỹ nghệ gia” có hạng rồi”.
Nhưng chàng giấu, không cho song thân hay rằng phải làm việc mười chín,
hai mươi giờ mỗi ngày, không có thì giờ ăn, không có thì giờ ngủ nữa. Và
chàng giữ mức làm việc đó gần nửa thế kỷ.
Luôn luôn trong đầu chàng nảy ra những ý mới, bắt chàng phải thực hành
liền. Có lần chàng thực hành bốn mươi lăm phát minh một lúc! Ghê gớm
chưa?
Từ năm 1870 đến năm 1875, chàng gần như chuyên phát minh về máy điện
tín. Chàng chế được một máy gởi đi một lúc được bốn điện tín, thành thử
trong một phút có thể đánh đi được ba ngàn rưỡi tiếng.
Nhiều kỹ thuật gia trẻ tuổi lại cộng tác với chàng; một số được chàng dìu
dắt mà sau nổi danh. Ai cũng trọng chàng là tính tình ngay thẳng, giản dị,
nhưng bề ngoài có vẻ bẩn thỉu, lôi thôi.
*
* *