Mary có một con trừu nhỏ
Mà lông trắng như tuyết...
Trong lúc đó, mũi kim vẽ một đường trên tờ giấy thiếc. Đọc xong bài, ông
ngưng lại, đặt đầu kim trở về chỗ cũ, rồi kề tai vào miệng loa, nghe rõ ràng
thấy máy lập lại câu thơ:
Mary có một con trừu nhỏ...
Mấy người giúp việc đứng trân trân, kinh khủng. Chính ông cũng ngạc
nhiên vô cùng. Sau này, chép lại chuyện đó, ông viết: “Trong đời tôi, chưa
lần nào tôi choáng người như lần ấy. Thực ra, mỗi khi một cái máy mới
phát minh chạy lần đầu tôi cũng thấy sờ sợ”
Vậy, do một sự cố bất ngờ, do một mũi kim đâm vào đầu ngón tay ông mà
máy hát ra đời, Edison nổi tiếng khắp thế giới; các báo chí không ngớt nhắc
đến cái “máy nói” của “nhà phù thủy ở Menlo Park”. Người ta đổ xô nhau
lại phòng thí nghiệm của ông để coi, đông đến nỗi công ty Hỏa xa phải đặt
thêm những chuyến xe riêng. Ông được mời tới Hoa Thịnh Đốn để trình
máy đó cho các nhân viên cao cấp coi. Có kẻ không tin, ngờ rằng chính ông
nói trong bụng – nghĩa là nói mà không cử động môi lưỡi – để gạt họ, chứ
“máy gì mà biết nói?”
Nhưng tờ giấy thiếc ông dùng để ghi thanh âm chưa phải là một giải pháp
tốt: máy chỉ dùng được ít lần là nghe không rõ nữa và phải bỏ. Chẳng bao
lâu, người ta quên nó. Mười năm sau, năm 1888, ông mất năm ngày năm
đêm liên tiếp để cải thiện, thay miếng thiếc bằng một lớp sáp chế tạo theo
một cách đặc biệt, và thay tay vặn bằng một máy đồng hồ. Lần này máy
được hoan nghênh trên thị trường, làm giàu cho ông và nhiều con buôn.
Sau này EmilBerliner, một người Huê Kỳ, cải thiện nữa mà thành máy hát
chúng ta dùng ngày nay.