danh ông đã được nhiều nhà bác học ngoại quốc biết tới, nhất là ông Kelvin
ở Anh rất hâm mộ ông – nhưng chính phủ Pháp vẫn chưa hề để ý tới ông,
vẫn chỉ trả ông một số lương là 300 quan một tháng, tức lương của một
ngưòi thợ chuyên môn thời đó. Ông không lấy vậy làm buồn, chỉ buồn là
chưa kiếm được người tri kỷ. Xét những thiếu nữ chung quanh ông thấy họ
rất tầm thường. Năm hai mươi hai tuổi, ông đã chán ngán, ghi vào nhật ký:
“Đàn bà còn yêu cuộc đời vui vẻ trẻ trung hơn đàn ông chúng ta
nhiều; thật hiếm thấy phụ nữ có thiên tài. Cho nên khi chúng ta bị một tình
yêu huyền bí nào thúc đầy mà muốn tiến vào một con đường trái với thiên
nhiên, khi chúng ta để hết cả tâm tư vào một công trình nó bắt ta phải cách
biệt nhân loại mà ta thương mến thì chúng ta phải chiến đấu với phụ nữ; -
và trong cuộc chiến đấu đó, gần như luôn luôn ta thua họ vì họ viện lý rằng
phải sống vui vẻ, hợp với luật tự nhiên, để rán kéo chúng ta về con đường
của họ”
Những hàng đó ghi rõ chí hướng của ông. Ông nhất định lựa một
người bạn trăm năm có thiên tài để cùng nhau phụng sự khoa học và nhân
loại. Và ông phải đợi trên mười hai năm mới tìm được người vừa ý. Người
đó là cô Marie Sklodowska, một sinh viên Ba Lan (Polonaise), theo học
ban khoa học ở trường Đại học Sorbonne.
* * *
Gia đình cô Marie rất nghèo, nhưng rất hiếu học. Thân phụ cô dạy
môn vật lý ở một trường Trung học Ba Lan, thân mẫu cô làm hiệu trưởng
một trường ở Varsovie trong một thời gian, sau bị bệnh lao phổi, phải nghỉ.
Cô là con út, sanh ngày 7 – 11 – 1867, có bốn anh và chị. rất thông minh:
bài nào chỉ đọc hai lần là thuộc; lại rất tò mò, gặp sách gì cũng đọc, mà một
khi cúi đầu trên trang sách thì hàng giờ không nhúc nhích, và bạn bè, anh
chị phá phách gì ở bên cạnh, cô cũng không hề biết. Cũng như Pierre Curie,