là hai ngày rầy, chỉ ăn trái anh đào, mà phải thức đến ba giờ sáng để học.
Ông nổi giận, kéo cô về nhà ông, bắt cô phải nghỉ ngơi, bổ dưỡng trong ít
nữa.
Nhưng cô tuyệt nhiên không thấy khổ. Trái lại, ngồi trong giảng
đường, nghe những nhà bác học như Lippmann, Paul Appel giảng bài, cô
còn thấy thích thú lạ lùng, quên cả đói và rét.
Cuối niên học đó, cô về thăm nhà, vui vẻ với gia đình. Nhưng thu tới, gần
đến kỳ tựu trường, cô lại lo lắng, không biết kiếm đâu được tiền để học hết
niên khóa sau. Cũng may, năm 1893, cô được một học bổng là 600rúp (1)
và hết hè cô lại được qua Ba Lê.
*
Đầu năm sau, cô gặp Pierre Curie tại nhà một người quen. Hai người
nói chuyện với nhau về khoa học, và khi chia tay, Pierre Curie bâng
khuâng, hỏi một câu vớ vẩn :
- Cô sẽ ở hoài bên đây chứ ?
Cô Marie hơi ngạc nhiên, nhưng tươi cười đáp :
- Thưa ông không ạ. Hè này nếu thi đậu, tôi sẽ về Varsovie. Nếu có tiền
ăn học, qua thu tới sẽ trở lại đây học nốt cử nhân toán rồi về nước dạy học.
Tôi không có quyền bỏ xứ sở trong lúc này.
Pierre Curie hơi thất vọng, nghĩ ngợi : « Cái cô Sklodowska nay cũng lạ
lùng. Ở Ba Lan qua đây học. Đậu cử nhân vật lý nắm ngoái, năm nay lại
học cử nhân toán. Thông minh như vậy, sao không phụng sự Khoa học mà
lại muốn làm chính trị ? Phải tìm hiểu thêm cô ta mới được ».
Và càng tìm hiểu, ông càng phục, càng mê cô gái Ba Lan đó. Ông gặp cô
mấy lần ở hội Nghiên cứu Vật lý, ở phòng thí nghiệm của giáo sư
Lippmann ; ông gởi tặng cô một tập nghiên cứu về điện của ông vừa mới
xuất bản, rồi xin phép được lại thăm cô trong phòng chật hẹp của cô. Thấy
đời sống nghèo nàn của Marie, ông lại càng quý mến cô và tin chắc rằng đã
gặp được một thiếu nữ có thiên tài mà mình hằng mơ tưởng mười mấy năm
nay. Còn cô, đối với ông, tuy cũng có nhiều cảm tình, nhưng chỉ là cảm tình
của những bạn khoa học với nhau mà thôi : sau một lần trắc trở về tình