Báo anh ngày hôm sau đã có một tin độc đáo, một bài thơ độc đáo…
Và báo bán chạy như những món hàng khan hiếm phải mua giá chợ đen.
Vụ bắt giam cụ Phan Bội Châu còn đang là một vụ « Tối mật » – một
vụ mua bán trong bóng tối – thì bỗng được tung ra dư luận, lan tràn khắp
các giới lãnh đạo Trung Hoa.
Các yếu nhân Trung Hoa Quốc Dân đảng vội vàng can thiệp, chận
đứng vụ mua bán này. Hăng hái nhất là Hồ Hán Dân, đã không quản công
lao khó nhọc, đi khắp nơi có quyền thế khua chuông, đánh trống để đòi trả
tự do cho nhà ái quốc Việt Nam mà Hồ Hán Dân từng mến phục.
Thế là thực dân Pháp hụt mất miếng mồi mà chúng tưởng đã giữ chắc
trong miệng. Báo chí đã thành công trong cuộc giải thoát một nhà cách
mạng gần lọt vào nanh vuốt của thực dân, đế quốc.
Hay nói cho đúng thì chỉ vỏn vẹn có mấy câu thơ thôi, đã có mãnh lực
thay đổi cả số mạng một người, xoay đổi cả một thế cờ của đại cuộc.
Nếu không do một sự tình cờ, nếu bài thơ ấy đi trôi lọt tới tay các đồng
chí của tác giả thì cũng chỉ là một bài thơ ngâm đọc với nhau trong một
nhóm vài ba người. Nhưng bài thơ ấy tình cờ đã phiếm du tới tận Thượng
Hải rồi nổ bùng trong dư luận.
Tuy Long Tế Quang phải bóp bụng hủy bỏ cuộc mua bán với tòa lãnh
sự Pháp, mất một món tiền kếch sù mà y tiếc ngơ tiếc ngẩn, song y cũng
còn lợi dụng « món hàng » của y làm mồi nhử thực dân Pháp, mong Pháp
giúp y mưu toan đại cuộc.
Lúc ấy nước Tàu đang lâm cảnh Nam Bắc phân tranh. Cuộc cách mạng
Trung Hoa tuy đã lật đổ được nhà Mãn Thanh mà lập nền Dân quốc, song
Quốc Dân Đảng Trung Hoa vẫn còn phải lo Bắc phạt thanh toán các nhóm
quân phiệt miền Bắc. Mỗi địa phương đã bình định xong được giao cho một
thủ lãnh cai trị hùng cứ một phương chẳng khác nào một ông vua nhỏ.