Cò kè bớt một thêm hai, kẻ mua người bán đã đi đến chỗ thỏa thuận
giá cả. Pháp chịu mua cụ Phan với một giá rất cao. Thấy tiền tối mắt, họ
Long bằng lòng cho dẫn độ cụ, viện cớ rằng cụ đã dính líu vào hai vụ ném
bom ở Hà Nội và Thái Bình và đó là hai vụ thường phạm chớ không phải
chánh trị phạm.
Họ Long chỉ còn chờ ngày nhận tiền của thân chủ là giao « hàng ».
Bỗng đâu một chuyện bất ngờ xảy đến. Một tờ báo Tàu ở Thượng Hải
loan tin cụ Phan bị bắt ở Quảng Đông và đăng một bài thơ « Tự thán » của
cụ.
Liền sau đó, hai tờ báo khác nổi lên công kích Long Tế Quang là đã
bắt cụ Phan để giao cho thực dân Pháp.
Họ Long như bị sét đánh ngang đầu. Có ngờ đâu một vụ còn « tối mật
» mà báo chí đã hay sớm thế ? Tòa lãnh sự Pháp thấy vụ « mua bán » bị đổ
bể, hối thúc Tổng đốc Quảng Đông « giao hàng » gấp.
Long Tế Quang muốn nhận tiền, lại sợ dư luận. Y còn thận trọng dò
xét xem dư luận Thượng Hải đi đến đâu và hẹn Pháp chờ ít ngày nữa.
Phía lãnh sự Pháp cho Quan Nhân Phủ đến tiếp xúc với các người thân
cận của họ Long, trổ tài miệng lưỡi Tô Tần.
Long Tế Quang mới thắng Trần quỳnh Minh, mới lên cầm quyền, chưa
dám làm chuyện bậy để mang tai tiếng, nhứt là một chuyện đã bị dư luận
phanh phui ra ánh sáng.
Y đang đợi chờ hoàn cảnh thuận tiện hơn, khi dư luận bớt sôi nổi, y sẽ
giao cụ Phan cho thực dân Pháp.
Tại sao báo chí Thượng Hải hay được tin về vụ « Tối Mật » này.
Ấy chỉ nhờ có một bài thơ của cụ bất ngờ lọt vào một tòa soạn nhựt
báo. Một bài thơ định mệnh, đã cứu sống môt mạng người.