Thừa lúc lính gác không để ý, Vi văn Lê nhìn thấy một chỗ trống ở trên
một phòng giam cá nhân, có thể thông ra đường. Chàng bèn hối thúc anh tù
nhân ở đây leo lên lưng chàng, bước lên vai chàng như bậc thang, rồi trốn
thoát ra ngoài phố.
Có tiếng động, chàng phải ra về.
Sáng hôm sau, Vi văn Định kêu đến tù nhân phòng này lên hỏi cung
mới hay con mình đã « tháo cũi xổ lồng »… Lại nhằm vào một yếu nhân
cách mạng mà y định khai thác. Y tức bầm gan.
Y kêu con lên văn phòng, mắng nhiếc sỉ vả một hồi, thiếu điều muốn
đánh cho chàng một trận mới hả giận.
Hôm sau người cha sắt đá quyết đầy con trai lên mạn ngược (vùng
thượng du). Trước kia, họ Vi làm tri châu ở Sơn La, biết nơi đây đèo heo
hút gió, bắt con lên đây ở thì hết còn có tư tưởng dân chủ, dân quyền, hết
còn binh vực bọn « nổi loạn ».
Vi Văn Lê dầu đã đi du học ngoại quốc về nhưng còn thấm nhuần chút
nho giáo, vẫn còn thần phục uy quyền của cha. Chàng cam chịu cái án đi
đày, mong chẳng đến đỗi phải chung thân. Vì chàng nghĩ hổ dữ cũng không
đến ăn thịt con ; chẳng bao lâu chàng sẽ được cha ân xá mà trở về Hà nội.
Ngày tháng trôi qua… Vi văn Lê cỡi ngựa đi giải trí trên thung lũng
trong khung cảnh âm u của thiên nhiên, chung quanh chỉ có đất với trời.
Tánh hăng hái không chịu nổi sự giam hãm trong cô độc, chàng thường
phóng ngựa chạy từ đồi nọ sang đồi kia, để tiết bớt sinh lực nóng hổi ra
ngoài.
Rồi một hôm, con ngựa cũng hăng sức phóng nước lớn, hụt chân
quăng chàng thanh niên xuống vực thẳm. Chàng đau quá, lịm đi, không có
ai đến cứu, mặc dầu con ngựa hí vang động bốn phía. Tiếng gió rì rào với
cành cây phủ lên tạo vật một màu đen tối. Trời thảm đất sầu tiễn đưa một