Mỉm cười : song chửa nợ tang bồng ?
Biết qua cuộc đời của nhà thơ, bây giờ chúng ta tìm hiểu cuộc đời nhà
cách mạng của Việt Châu.
Ngoài 20, tuổi Việt Châu lập gia đình với một thiếu nữ, con một hương
chức làng Hòa An (Cao Lãnh).
Tuy đã có cái vốn nho học vững vàng, Việt Châu không bo bo trong
những tư tưởng « Khổng Tử viết » mà còn muốn nhìn rộng thấy xa nên trau
giồi Pháp văn và say mê thi văn Pháp. Ông cũng không chịu sống theo nếp
sống ủy mị của đa số thi nhân thế hệ. Ông chủ trương rằng dầu có là một
văn nghệ sĩ đi nữa, sức khỏe cũng rất cần thiết trong thời đại mạnh được
yếu thua này. Việt Châu quyết tâm học võ, luyện tập môn quyền thuật.
Đến khi thế lực Pháp sắp suy tàn, năm 1944-1945, Việt Châu thành
một thanh niên văn võ song toàn, chờ lúc phải đem bầu máu nóng của cái
tuổi 27 xuân xanh ra phục vụ đồng bào, tổ quốc.
Việt Châu với thân hình vững chắc da trắng miệng rộng, giọng nói
dõng dạc phải « tạm gác thi văn khoác chiến bào » từ đây – (theo lời của thi
sĩ.)
Ông đã gặp được Đức Huỳnh giáo chủ và coi như là một minh chủ.
Ông cũng được Người tín nhiệm, nhận làm bí thư. Gần gũi với vị lãnh đạo
tinh thần trên 1 triệu tín đồ miền Tây, ông đã có nhiều ý kiến sáng suốt khi
tham gia các việc quyết định của Giáo chủ.
Tháng Ba năm 1945, Nhựt đảo chánh Pháp. Tại vườn Ông Thượng
Saigon (sân Tao Đàn bây giờ) có một cuộc biểu tình của các đoàn thể mừng
nền « độc lập » đã thâu hồi. Các tổ chức lần lượt lên diễn đàn. Trong khi ấy
Việt Châu lo cái nạn « dịch chủ tái nô » yêu cầu Đức Huỳnh Phú Sổ cho
lịnh tín đồ Phật Giáo Hòa Hỏa hãy dè dặt, theo dõi thời cuộc, chớ vội a dua.