thành khí giới hùng biện vô cùng cuốn hút của ông. Ngay những nhân vật
của Port Royal là những thính giả khó tánh nhất, vừa gắt gao về lý thuyết
vừa ti mỉ về nghệ thuật nói trước đám đông, mà cũng phải phục tài hoạt bát
từ nội dung đến hình thức của"con phụng hoàng thành Meaux". Nghe
Bossuet nói, người ta cảm thấy như bị ru hồn. Lời và giọng văn của ông có
cái mà những nhà phê bình gọi là âm điệu tự tình phát xuất du dương như
cung điệu của chiếc đàn Lyre. Có kẻ định nghĩa tính chất văn nhạc nầy là sự
diễn tả say mê, gợi ảnh của những tâm tình cá nhân mà dựa trên những đề
tài có tính cách công cộng. Điều nầy thực lạ nơi Bossuet vì bạn quá biết thế
kỷ 17 ở Pháp là thế kỷ của lý trí, của lý luận, của lối suy luận theo phương
pháp khuôn thước của Descartes. Bossuet lý luận bằng đàn Lyre thành công
chắc tại biết cho sương tình cảm rơi đúng mấy mảnh đất lý lẽ đã làm quá
khô khan cằn cỗi chăng?
4.- Tài viết: Ông thuyết giáo bằng văn viết lẫn văn nói. Ông bút chiến.
Ông viết sử. Ông viết thư từ đủ loại. Nội dung ngòi bút của ông là chân lý
rút ra từ các tác giả La-Hi, từ Thánh kinh, từ kho vô tận của các Thánh phụ.
Hình thức ngòi bút của ông là gợi cảm xúc và hấp dẫn cao độ. Bình phẩm
bút pháp của Bossuet, nhà phê bình nổi tiếng gắt gao Buffon nói: "Tư tưởng
cao, cảm động sâu và diễn tả hay".
Bài học có thể rút ra từ bút pháp của Bossuet là bài học của những đức
tính cổ điển tối cần cho văn bất hủ: Viết chính xác, viết tự nhiên, viết biến
hóa, viết độc đáo. Văn nói thì nhịp nhàng, lý luận mà đam mê, uy nghiêm
mà không lố bịch, thực tế mà nhiệm bí, cân đối mà không khách sáo. Đọc
hay nghe Bossuet người ta vừa thấy bổ dưỡng óc não vừa say mê tâm hồn.
C.- TÌNH THẦY CỦA BOSSUET ĐỐI VỚI TRÒ HOÀNG TỬ:
Như bạn đã biết là Giám-mục Bossuet đã bỏ ra 10 năm trời chuyên dạy
Hoàng-tử Louis de France. Nghĩa là từ 1670 đến 1680, ngoài chức vụ tôn
giáo kể như ông dồn hết hoạt động cho việc giáo dục chí tử công phu nầy.
Ông từ dịch luôn trách vụ ở tòa Giám-mục nữa bởi lẽ không thường hiện