Hơn nữa ở đây vì một lý do tế nhị, tôi tránh nêu danh tánh một số nhân
vật còn sống mà chỉ chú trọng sức mạnh của tình Thầy trò coi như động cơ
thúc đẩy sự nghiệp của Đức Huỳnh Giáo-Chủ thành công vẻ vang thôi.
Nếu phân tích khối tình Thầy trò ấy, khối tình biểu lộ từ ngày Đức Thầy
khai đạo đến khi thọ nạn, ta thấy có mấy yếu tố nền tảng sau đây:
1.- Lòng chân thành đạo hạnh:
Đây là yếu tố căn bản đầu tiên làm cho Đức Thầy hấp dẫn đối với những
đệ tử, tín đồ tiên khởi. Nó cũng là ma lực lôi cuốn không biết bao nhiêu
người trên đường truyền đạo của Ngài. Ở thời đại nào cũng vậy chớ không
riêng thời đại ta, nhiều nhà tu hành không lôi cuốn được ai, có khi gây ác
cảm nữa, chỉ tại không biểu lộ được một cách tự nhiên lòng đạo đức chân
thực. Tâm lý tự nhiên của người đời là gặp ai chân tu thì quí mộ. Đức Thầy
nắm được bí quyết đó.
2.- Lòng xả kỷ vị tha:
Ngài lại nắm thêm mật pháp nầy nữa: Đó là không kể gì đến bản thân
mình, chỉ nghĩ đến quyền lợi, hạnh phúc kẻ khác. Đọc tiểu sử Ngài, ta thấy
Ngài độc thân như Chúa Giê-Su, sống nghèo nàn, lìa bỏ tổ đình, một thân
một gói nay phiêu bạt nhà đệ tử nầy, mai tạm trú nhà tín đồ nọ. Nhìn vào
Ngài ai cũng thấy Ngài không lo chi cho đời tư của Ngài. Trái lại Ngài làm
bao nhiêu việc phi thường mục đích cứu thiên hạ khỏi bịnh đau khốn nạn.
Ngài đã đi đúng vết chân của Đức Thích-Ca, Đức Giê-Su mấy ngàn năm về
trước. Vết chân của từ bi, của bác ái vô bờ vô bến. Luật tâm lý thông
thường là ai chân thành hy sinh tánh mạng mình cho kẻ khác thì thường
được kẻ khác hy sinh lại. Tôi nói thường để trừ một số trường hợp bạc ơn
nào đó mà các giáo tổ chân chính bất kể bạc ơn nên họ càng được tri ân hơn
ai hết.
3.- Sống đùm bọc có sư có đệ: