b) Phải nhận là ít có vĩ nhân nào nhờ hạnh phúc gia đình mà thành công
như Maurois. Trở lên bạn thấy hầu hết là những tâm hồn cô độc, trầm luân
trong biển cô đơn rồi nhờ đơn lẻ như vậy mà thương mến môn đồ, cùng
môn đồ xây nghiệp cả.
Chừng già viết về hôn nhân nhứt là trong cuốn Thư ngỏ gởi cho một
thanh niên, Maurois tỏ ra đạo mạo đấy. Nhưng trong thời hoa niên, lắm lúc
ông cũng bay bướm và bốc đồng lắm. Đám trẻ ngày nay ghiền xi-nê, mê
phòng trà như điên. Maurois hồi nhỏ cũng vậy. Ông cũng la cà ở các quán
văn nghệ, ngồi mơ màng ở những trà đình, tửu điếm, say sưa ngắm những
cặp nhân tình của văn sĩ nầy, nghệ sĩ nọ qua lại. Còn cảnh nào bốc đồng
hơn cảnh nầy không? Là ở Thụy-Sĩ, Maurois gặp một thiếu nữ gốc Ba-Lan,
thuộc làng giai nhân tên Janine de Szymkiwiez. Tiếng sét ái tình hốt hồn
ông liền, Janine mất cha ở với mẹ trong cảnh nghèo túng. Maurois túm cổ
mẹ con Janine sang Anh cấp dưỡng và suốt ba năm liền mỗi tuần ông từ
Pháp qua Anh thăm người yêu một lần. Mối tình vượt trùng dương đó ông
giấu cha mẹ đến ba năm mới cho hay. Ban đầu bị mẹ phản đối kịch liệt.
Nhưng rồi kết cuộc là một đám cưới. Gia đình ông kể như là hạnh phúc. Có
lẽ nhờ ông xây dựng nền tảng không phải trên đá hay đất liền mà trên
không biết bao lần vượt biển Manche. Thực thường vĩ nhân yêu đương dữ
dội quá. Trường hợp của ông hơi giống trường hợp ông bà Curie hồi chưa
làm đám cưới.
Đau đớn thay. Năm 1924, vợ chết, Maurois cùng ba con kéo trở về Paris.
Ở đó ông viết văn sống bằng ngòi bút, giao thiệp rộng với nhiều văn hào.
Một văn hữu chí thân của ông là Charles du Bos giới thiệu cho ông một
thiếu nữ tuyệt sắc, con nhà giàu lại có máu văn nghệ vì nàng vốn là bạn của
văn hào Proust và một thời được Anatole France nuôi như con nuôi. Nàng
tên là Simone de Cavaillet. Lại tiếng sét ái tình thứ hai như thiên lôi vố trên
cõi lòng đang cô quạnh mất quân bình của Maurois. Năm 1926, nghĩa là sau
khi người vợ trước qua đời 2 năm, ông cùng Simone xây tổ uyên ương. Một
gia đình thứ hai trào tràn hạnh phúc của Maurois bắt đầu. Ông viết văn. Bà