Công bình mà nói thì nên bảo rằng Đức Mahomet là người có óc tưởng
tượng sáng tạo thuộc hạng siêu đẳng. Do óc sáng tạo đó, Ngài đưa ra những
ý tưởng độc đáo đáp ứng thời đại và nơi chốn mà Ngài truyền đạo. Ý tưởng
ấy phát xuất từ đâu? Từ Thượng-Đế chăng? Từ đời sống chăng? Nếu là
chân lý thì chắc chắn là từ Thượng-Đế vì thần học chủ trương rằng Thượng-
Đế là nguồn chân lý. Nếu là chân lý mà phát xuất từ đời sống thì cũng phát
xuất từ Thượng Đế luôn vì Thánh kinh quả quyết rằng Đức Giê-Su vừa là
Thượng-Đế vừa là sự sống. Mà bộ Coran ai cũng phải nhận phần lớn chứa
đựng chân lý; chỉ một số tư tưởng nào đó cần xét lại về mặt tín lý và luân lý
thôi. Vậy tóm lại, nếu Đức Mahomet không là Tiên-Tri hiểu theo nghĩa cứu
thế thì ít ra Ngài cũng là nhà thị kiến với óc tưởng tượng sáng tạo siêu quần
bạt chúng.
II. Đạo Hồi Hồi là gì?
1.- Lai lịch:
Hồi-giáo là tôn giáo của Đức Mahomet sáng lập hồi thế kỷ thứ 7. Người
ta còn gọi là đạo Ích-Lam dịch bởi tiếng Islam hay Islamisme. Theo truyền
thuyết đạo nầy thì nó phát xuất từ trời, được đem đến bởi thiên thần Gabriel
bằng những thiên khải tập trung trong cuốn Coran. Sau khi Mahomet qua
đời, bốn người kế vị đầu tiên truyền bá nó vượt khỏi biên giới Á-Rập tạo
thành một đế quốc Hồi-giáo từ sông Indus đến Đại-Tây-Dương. Nó tràn lan
qua Tây-Ban-Nha, Ba-Tư, Ấn-Độ, Turkestan, Insulinde, Bắc-Phi, Đông-Âu
v.v...
2.- Kinh thánh của Hồi-giáo: Coran
Coran hay Koran có nghĩa là"đọc" là thánh thư của Hồi-giáo, gồm 114
chương viết theo lối văn xuôi có vận điệu gọi là Sura. Tức là những vế dài
ngắn khác nhau. Mỗi Sura gồm nhiều câu mang nhan đề riêng rút theo ý
nghĩa của một câu hay một chuyện được tường thuật.