- Dì Sáu mà biết tao đánh nhau, dì Sáu la chết !
- Mẹ không biết đâu. Mình đừng đánh nhau ở nhà. Mình kéo qua nhà anh Thoảng.
Anh Thoảng là cháu họ xa của dượng Sáu. Anh kêu dượng tôi bằng cậu, kêu dì tôi bằng mợ.
Không anh em, mẹ mất sớm, phải nuôi ông bố già thường xuyên đau yếu, anh đi làm thuê
cho những nhà khá giả trong làng.
Anh Thoảng công việc tất bật nhưng chiều nào tôi cũng thấy anh có mặt ở bãi đất trống bên
kia suối, chơi đá bóng với bọn trai làng. Giữa tôi, Nhạn và Dế, xem ra anh Thoảng mến tôi
nhất. Tình yêu mến của anh có xen lẫn sự nể trọng. Dưới mắt một anh nông dân làm thuê
như anh Thoảng thì một cậu học trò chuẩn bị vào lớp Mười như tôi quả là một bậc trí thức
không thể xem thường. Chính vì vậy mà vào những buổi chiều tôi theo Nhạn chạy xuống bãi
đá bóng và đứng nhìn một cách thèm thuồng những cẳng chân đang huỳnh huỵch đuổi theo
trái bóng được quấn bằng lá dứa kia, bao giờ anh Thoảng cũng tìm cách thỏa mãn niềm
khao khát của tôi. Thường thì anh đặc cách cho tôi vào thay anh trong mười, mười lăm
phút, bất chấp sự phản đối quyết liệt của đội nhà. Chỉ đến khi do mải mê tranh bóng, cái
cẳng gà tong teo của tôi chạm vào một cái chân bằng sắt nào đó của phe đối phương, mà các
cầu thủ trên sân đều trạc lứa tuổi hai mươi của anh Thoảng, xương cốt họ cứng cáp biết
bao, thì tôi mới thất thểu quay ra ngoài rìa cỏ ngồi ôm chân xuýt xoa cho anh Thoảng vào
thay.
Do mối giao tình của tôi và anh Thoảng như vậy nên thỉnh thoảng tôi vẫn ghé chơi nhà anh.
Phía bên kia ngõ trúc, đối diện với cổng nhà ông Hai Đởm là đường dẫn vào nhà anh
Thoảng. Con đường hẹp, sâu hút, chạy dọc theo cái mương đầy cá lòng tong, hai bên toàn là
dứa dại xen lẫn với những bụi chuối nước và đám mào gà lúc nào cũng lắc lư những bông
hoa đỏ thẫm.
Nhà anh Thoảng nhỏ hơn nhà dì tôi, nhưng quạnh quẽ hơn. Anh suốt ngày đi làm, ông bố
suốt ngày nằm chèo queo trên bộ ván bằng gỗ mít đã lên màu đen kịt, nhà cửa vắng tanh.