đứa con gái, chắc là chị nó, cầm tay nó dắt đi. Tụi con nít trong xóm xúm đen xúm đỏ chung
quanh.
Ngoảnh lại sau lưng, không thấy Nhạn và Dế đâu, tôi vội vàng lỉnh xuống nhà dưới, vòng ra
sau hè.
Hóa ra hai ông tướng đã chuồn ra ngoài trước tôi và đang đứng trên chuồng gà kê sát
tường, kiểng chân dòm qua cửa tò vò, quan sát hiện trường.
Tôi lật đật leo lên đứng cạnh Nhạn và hồi hộp nhỏng cổ nhìn vào nhà.
Lúc này, dì Sáu đã nghe động. Dì vội vã bước ra hiên:
- Gì vậy Út Thêm?
Hóa ra chị thằng Dư tên Út Thêm. Mặt mũi nó dễ thương mà cái tên sao nghe xấu hoắc! Tôi
nhủ bụng và thấp thỏm dỏng tai chờ nghe nó tố cáo tôi.
- Em cháu bị té chảy máu! Nhờ dì coi giùm cho nó chút!
Giọng Út Thêm êm ái như ru. Tôi ngẩn ngơ tưởng đang nghe họa mi hót. So với nhỏ Thơm,
giọng nói của Út Thêm du dương hơn gấp một tỉ lần. Du dương nhất là nó chẳng tỏ vẻ gì
muốn méc dì Sáu về tội ác của chúng tôi.
Sau khi giải tán đám con nít hiếu kỳ, dì Sáu dắt thằng Dư lại đằng phản và bắt đầu xem xét
vết thương.
Ngọ nguậy trên cái chuồng gà chênh vênh, tôi quay sang Nhạn và Dế, ngầm chia sẻ nỗi
mừng thoát nạn.
Hóa ra Út Thêm dắt thằng Dư đến nhà dì tôi là để nhờ xức thuốc và băng bó, chứ không
phải để mắng vốn. Ông tôi là thầy thuốc nổi tiếng, vì vậy dì tôi cũng học được ở ông ít nhiều.
Từ ngày ông mất, dì tôi trở thành cô y tá nghiệp dư trong làng. Những khi trúng gió, đau
bụng, nhức đầu hay phỏng nước sôi, đứt tay chảy máu, người làng thường đến dì tôi xin
thuốc hoặc nhờ băng bó. Làng Hà Xuyên là một làng nghèo. Dì tôi chữa bệnh không bao giờ
lấy tiền. Để tạ ơn, người khá giả thì biếu cặp gà, người túng bấn thì đem cho buồng chuối
chặt trong vườn. Từ ngày về chơi nhà dì đến nay, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh lạ lùng và
cảm động, những mối quan hệ đầy tình nghĩa thôn lân từ lâu đã vắng bóng trong nếp sinh
hoạt của người thành thị.
Út Thêm ngồi nhấp nhổm bên cạnh thằng Dư, chốc chốc lại buột miệng lo lắng hỏi:
- Có sao không dì?
Săm soi một hồi, dì tôi đứng thẳng người dậy, tươi tỉnh đáp: