quá xá. Hay là nó không ưa Út Thêm vì Út Thêm mắc cái tội tài đình là làm chị thằng Dư!
Nghĩ vậy, tôi không thèm cãi nhau với nó. Tôi chỉ chép miệng, thăm dò:
- Nhưng mày có công nhận là nó dễ mến không?
Nhạn bĩu môi:
- Em chẳng mến nó chút xíu nào!
Nhạn làm tôi cụt hứng. Tôi chớp mắt:
- Nhưng nó hiền.
- Nó hiền kệ nó! - Nhạn nhún vai - Nó hiền, nhưng em nó thì dữ. Trước sau gì thằng Dư
cũng sẽ tìm cách phục thù anh em mình!
Kể từ lúc gặp Út Thêm, tự trong thâm tâm tôi đã không còn xem thằng Dư là kẻ thù nữa. Tôi
coi nó như... em. Vì vậy, nghe Nhạn nói về thằng Dư một cách hậm hực, tôi ngồi im không
tán đồng cũng không phản đối.
Để lảng chuyện, tôi giả bộ ngó lên vòm lá, xuýt xoa:
- Khế chín quá trời mày ơi!
Nhạn mắc bẫy tôi ngay. Nó nhìn lên những chùm trái lủng lẳng trên cao:
- Anh ăn không, em hái xuống cho ?
Tôi lắc đầu:
- Lát nữa tao mới ăn. Bây giờ tao no quá, phải nằm nghỉ một lát!
- Vậy lát nữa em hái cho anh!
Nói xong, Nhạn cầm lấy chiếc muỗng và cái vỏ đu đủ trên tay tôi rồi trở gót vào nhà.
Chỉ đợi vậy, tôi ngả lưng xuống võng và co chân đạp vào thành giếng cho chiếc võng chao
qua chao lại. Nằm đong đưa một mình, tôi tha hồ thả nỗi nhớ bay xa.
Suốt cả tuần lễ sau đó, tôi nghĩ nát óc vẫn chẳng tìm được cách nào làm quen với Út
Thêm. Nó ở tuốt trong xóm Miễu, tôi ở xóm ngoài, cách nhau một cây cầu và một trảng cỏ
mênh mông, tôi chẳng có lý do gì để đến thăm nó. Đó là chưa kể, nếu tôi liều mạng tiến sâu
vào lãnh thổ của tụi thằng Dư, có khi tôi bị no đòn.
Nhạn và Dế rất quí tôi nhưng những chuyện như thế này tôi chẳng thể thổ lộ với tụi nó. Tụi
nó không chia sẻ được đã đành, không chừng lại còn kết án tôi đầu hàng phe địch. Lúc đó,
đừng hòng thanh minh.