Người duy nhất có thể giúp được tôi là bà La Sát. Ở thành phố, tụi bạn tôi thường chơi
chiến thuật đó. Muốn làm quen với một đứa con gái nào, tụi nó thường mua cóc ổi hối lộ
một đứa con gái khác, để nhờ đứa này bắt cầu hộ. Có những chuyện, giữa con gái với nhau
dù sao cũng dễ nói hơn.
Tôi chưa áp dụng chiến thuật này bao giờ. Tôi làm quen với mấy đứa con gái trong lớp
bằng cách cột đuôi áo dài của tụi nó vào chân bàn, để rồi khi bị phát hiện, lại dỏng tai nghe
tụi nó chửi và nhe răng cười hì hì như khỉ đột.
Với bạn gái, tôi chỉ khoái nghịch ngợm và chọc phá. Tôi chẳng khoái nghĩ về tụi nó. Vậy mà
chẳng hiểu sao, bây giờ tôi cứ nghĩ mãi về Út Thêm. Mỗi lần nghĩ về nó, tôi lại thấy lòng
mình man mác như có một làn gió nhẹ thoảng qua. Lạ ghê!
Nhỏ Thơm lúc này đã khá thân với tôi. Nó đã mượn tôi đến cuốn truyện thứ ba. Còn tôi thì
lên chơi nhà nó đến lần thứ... mười. Tôi ăn xoài mệt nghỉ. Tôi ăn ổi no nê. Rồi tôi ăn cam, ăn
quít. Chán cam quít, tôi hái me chua chấm muối ớt, vừa ăn vừa nhăn mặt hít hà. Tôi ngồi bệt
dưới gốc cây, những chiếc lá li ti rơi bám đầy trên tóc, lúc ra về, nhỏ Thơm phải loay hoay cả
buổi gỡ giùm tôi.
Nhỏ Thơm hào phóng tặng tôi tất cả những thức ngon vật lạ trong vườn nhà nó. Chỉ để
được tôi lên chơi với nó. Chỉ để được tròn mắt ngẩn ngơ nghe tôi kể về thành phố. Rồi tặc
lưỡi xuýt xoa. Rồi trầm trồ mơ ước. Nhỏ Thơm khờ khạo. Nó không biết tôi là chúa phịa.
Thành phố tôi ở cóc có ngôi nhà nào cao hơn mười tầng, tôi bảo có nhà hai mươi tầng, nó
tin ngay. Và nó mơ mộng sẽ có một ngày đẹp trời nào đó, nó được đứng trên sân thượng
của ngôi nhà cao tầng đó nhìn xuống đất để thấy người ta và xe cộ bé bằng đàn kiến đang
trú ngụ trên cành quít trong vườn nhà nó. Thành phố của tôi chỉ có hai rạp chiếu bóng bé
xíu. Tôi bảo có đến hai trăm rạp. Trẻ con chui vào coi cọp, bị đuổi chạy toé khói. Tôi bảo trẻ
con vào coi chiếu bóng không mất tiền, chỉ cần trình giấy khai sinh chứng tỏ mình chưa tới
mười tám tuổi. Nghe tôi bốc phét, nhỏ Thơm thèm nhỏ dãi. Nó bảo nếu có dịp lên thành
phố, nó sẽ đi hết hai trăm rạp. Nó sẽ mua bánh mì đem theo để được coi phim từ sáng đến
tối, khỏi cần chạy về nhà ăn cơm.
Có lần, đang sẵn trớn ba hoa, tự dưng tôi buột miệng:
- Có cả phim đánh nhau nữa! Thơm có thích xem phim đánh nhau không?
- Không.
Câu trả lời của nhỏ Thơm khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi nhìn sững nó: