- Thì hôm trước tao đã nói mày rồi. Tao đã bảo Út Thêm khuyên thằng Dư đừng chơi trò
đánh nhau nữa.
Nhạn ngơ ngẩn:
- Chẳng lẽ thằng Dư chịu nghe lời chị nó?
Tôi hừ giọng:
- Mày nói lạ! Em không nghe lời chị thì nghe ai!
Mặt Nhạn lộ vẻ bâng khuâng. Hẳn nó không bao giờ ngờ thằng Dư lại có thể quên đi hiềm
khích một cách dễ dàng. Nó đâu có biết Dư đang là học trò của tôi.
Hôm sau gặp Dư, tôi chẳng nhắc gì chuyện Nhạn kể. Tôi sợ nó lúng túng. Dư cũng chẳng nói
gì. Nó cắm cúi ngồi đánh vần hệt như một đứa bé ngoan ngoãn. Mặt mày nó dạo này đã thôi
ngổ ngáo. Đối với tôi, nó luôn luôn tỏ ra là một học trò lễ phép và hiền lành. Thật khác xa
với thằng Dư đã từng cùng tôi vật nhau giữa suối ngày nào.
Nhưng người đem lại cho tôi ấm áp khó tả là Út Thêm. Bây giờ, ngày nào tôi cũng gặp nó.
Lòng tôi đã vợi hẳn nhớ nhung, thay vào đó là niềm hân hoan ngày một tràn đầy. Đôi mắt
đen láy, nụ cười răng khểnh và hai bím tóc nghịch ngợm trên vai của Út Thêm đã đi vào giấc
mơ tôi như những hình ảnh quen thân, khó thể xa rời.
Tuy vậy, trong những ngày gần gũi Út Thêm, lòng tôi không tránh khỏi lo buồn. Tôi nghĩ
đến sự chia tay. Mùa hè của tôi đã trôi qua được hơn phân nửa. Chỉ còn không đầy một
tháng rưỡi nữa thôi, tôi sẽ phải về lại thành phố. Tôi sẽ phải giã từ làng Hà Xuyên, giã từ biết
bao nhiêu kỷ niệm. Tôi sẽ không còn được học võ với anh Thoảng, cũng như không còn
được dạy chị em Út Thêm học. Biết mai đây, Út Thêm có còn nhớ tôi không! Có lần đang
dạy, tôi bỗng chép miệng buồn rầu:
- Mới đó mà mau quá hén?
- Anh bảo cái gì mau ? - Út Thêm ngơ ngác.
- Mùa hè! - Tôi thở dài - Mùa hè trôi qua mau quá! Tôi sắp về lại thành phố rồi!
- Còn một tháng rưỡi nữa kia mà!
- Một tháng rưỡi đâu có là bao!
Câu nói của tôi chắc giống như một lời than. Nên tôi thấy Út Thêm lặng lẽ ngước mắt nhìn
ra tàng phượng đỏ trước sân. Chẳng biết Út Thêm nghĩ gì, sao tôi thấy mặt nó cũng lộ vẻ
buồn buồn. Tự nhiên tôi nói:
- Nhưng điều đó dù sao cũng chẳng ảnh hưởng đến việc học hành của mình. Chỉ chừng nửa