Dù tuổi chênh nhau gần con giáp nhưng đều quanh tuổi thất thập và là
dân dã cả, người ta dễ bình đẳng với nhau. Mọi chuyện đời dù còn ngổn
ngang nhưng đã ở phía sau. Chọn những gì cùng vui cùng buồn chia sẻ cho
nhau là có thêm bạn qúy.
Anh trả lời câu hỏi của tôi mấy mươi năm trước :
- Dạo ấy mình đã hoạt động trong Hội học sinh kháng chiến thành.
Sau bị lộ, chạy ra căn cứ rồi vào bộ đội. Hòa bình, mình xin về học y vì
thích nghề này!
Thì ra anh trong số đầu trò những vụ treo cờ, rải truyền đơn kêu gọi
học sinh bãi khóa chống bắt lính ở trường mà dạo đó tôi vừa sợ vừa phục
thế.
Gần chót một đời người, lại qua một thời dằng dặc bể dâu, bao nhiêu
điều chứa căng một bụng, bi ca lẫn với tráng ca. Chuyện xưa chuyện nay
đen-bạc-rủi-may, hoa thơm cỏ lạ, những niềm vui bất chợt, những nỗi đau
đời. Bùn không chỉ ở dưới đáy mà còn lem tới chín tầng cao, nói ra nửa
khóc nửa cười tổn thọ! Loanh quanh lại về với Hà Nội một thời “bãi biển
nương dâu” (thương hải biến vi tang điền). Lan man nhiều chuyện dông
dài.
Nhà anh là nơi gặp gỡ của những anh em từng sống ở Hà Nội nhiều
thời. Thời nước Việt Nam thống nhất, thời chống Mỹ, thời chống Pháp,
thời nô lệ Nhật-Tây… Khó truy ra được ai là người Hà Nội gốc? Theo cổ lệ
từ thời cố hỉ, người nhập cư trải ba đời mới được xóa đi cái mặc cảm là dân
ngụ cư cù bơ cù bất ở đâu lang bạt tới nơi đất mới nương thân. Thế thì ở
chốn kinh kỳ mấy ai được tới ba đời để thành người chính gốc? Thân phận
kẻ nhập cư ngày xưa nhục lắm. Ở mãi rìa làng, vào bẩm ra thưa ông Lý ông
Chánh đã đành, gặp ai cũng phải chào mà không dám ngẩng mặt lên, khổ
chẳng ai thương, đói không dám than, đau không dám rên, oan không dám
kêu, việc làng nước oằn lưng ra gánh mà khi có đám tiệc ngòai đình chỉ
làm kẻ quét dọn bưng bê hầu hạ từ mấy cụ bô lão tới mấy đứa trai đinh.
Vậy mà khi chết chỉ được gửi nắm xương tàn nơi bờ chuôm cuối bãi chứ
đâu dám mơ tới nơi địa táng phát tích nghênh ngang đầu làng. Nghĩ thế thì
dân ngụ cư Hà Nội thời đại xã hội chủ nghĩa sướng quá đã rồi!