Bậc tài tử giai nhân nơi phố thị phồn hoa hay người bình dân sớm khuya
tần tảo nơi xóm vắng đồng sâu gặp lúc cơ trời dâu bể đa đoan đều lấy thơ
ông vận với phận mình.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THI từ miệt tỉnh Đông lên Hà Nội học. Là
người đa tài, ông đã làm nên bài ca Người Hà Nội: Đây Hồ Gươm – Hồng
Hà – Hồ Tây / Đây lắng hồn núi sông ngàn năm / Đây Thăng Long / Đây
Đông Đô / Đây Hà Nội… Hà Nội mến yêu!… Những ai từng gắn dù chỉ
một khoảng đời mình với Thủ đô, nghe điệu nhạc lời ca thiết tha ngọt ngào
sâu lắng ấy đều thấy niềm tự hào xốn xang lay động trong lòng. Có người
Hà Nội gốc nào làm được như ông?
Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, giáo sư bác sỹ HỒ ĐẮC DI là vị thầy
thuốc tiêu biểu của thế kỷ XX. Với xã hội, Cụ là nhà chí sỹ gắn mình với
sự nghiệp phục hưng tổ quốc; với người bệnh, Cụ là người thầy thuốc đức
độ tài năng; với học trò, Cụ là người thầy mẫu mực. Người Huế tự hào vì
đã sinh ra HỒ ĐẮC DI và người Hà Nội tự hào vì HỒ ĐĂC DI đã làm đẹp
thêm nền văn hóa Thăng Long.
Nhà khoa học TRẦN ĐẠI NGHĨA, người lục tỉnh Nam kỳ, được nhà
nước bảo hộ cho qua Pháp học nghề xây dựng cầu đường. Nhưng người
thanh niên yêu nước Phạm Quang Lễ noi gương ông Cao Thắng, lén học
thêm nghề chế súng, rồi theo Cụ Hồ về nước, dựng lên những công binh
xưởng phục vụ kháng chiến. Ông đã chế ra những khẩu súng thần công bắn
tan những boong ke công sự làm giặc khiếp vía kinh hồn và biến tên lửa
SAM II của Nga thành những con Rồng lửa Việt Nam, góp công to vào
chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, giữ yên bầu trời Thủ đô. Người Hà
Nội nào không ghi nhớ công tích và kính trọng ông?
Mà thời nào cũng không thiếu những chuyện đời đen bạc, những con
người như những vết nhơ còn để lại dưới những gốc cây bên những con
đường đầy bí ẩn hoặc trên tường thành Đại La cổ kính.
Thủ đô là nơi vừa trong vừa đục, lúc sáng lúc mờ. Vì không là của
riêng ai thì nó luôn được đổi thay tân tiến văn minh, người đời hướng về
một thủ đô trong trẻo. Khi thủ đô bị biến thành cái ao làng vẩn đục thì còn
ai thiết tha tới nữa?