- Nỗi đau lớn nhất của một đời người là phải sống tha hương. Ông Vũ
Bằng nói đúng: “Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y
như là gỗ mục”! Hòan thành tập thơ Việt Nam mến yêu tôi sẽ mang về quê
làm quà dâng mẹ, như tấm lòng thành tạ tội của một đứa con bỏ xứ đi xa!
Ông bắt tay tôi và nắm chặt tay bà, muốn nói mà nghẹn ngào, đôi mắt
hoe hoe đứng nhìn chúng tôi lên xe ra đường băng bịn rịn lưu luyến lắm.
Tập thơ khá dày, bìa in đẹp cảnh bãi ngô ven sông Hồng dằng dặc
trong mờ mờ sương khói. Thay lời đề tặng cho tôi là mấy dòng thơ hò hẹn:
Bến cũ thuyền xưa ta sẽ đậu về
Vùi cốt tủy trong phù sa đất mẹ
Gửi hồn vào nơi ngọn cỏ lá cây
Và dòng sông xưa sóng nước vơi đầy
Và lời đề tặng cho bà như lời thệ ước :
Ta sẽ về xứ sở của yêu thương
Cả cay đắng giận hờn từ nơi ấy
Nơi không chọn để hòai thai sinh hạ
Một tình yêu mới mãi chẳng vuơng tròn…
Tới mấy chục bài, chia làm hai phần Cố hương viết thời còn trong
nước và Ly hương viết thời xa xứ. Có một bài đề Tặng vợ hiền ca ngợi
ngừời vợ đảm đang tần tảo như Tú Xương khen vợ “quanh năm buôn bán ở
ven sông” và một bài đề Nhớ hiền thê xót thay tình phu-phụ sớm đoạn
trường, cũng tình nghĩa như Nguyễn Khuyến khóc bạn “nước mây tan tác
ngậm ngùi lòng ta” vậy! Còn khá nhiều bài với tựa đề hoặc lời chua ẩn ý
mơ hồ chỉ người trong cuộc mới hiểu ra xuất xứ: Tặng B.T, Đợi, Nhớ mùa
hoa trẩu, Một chiều gió bấc, Ô kiều, Mặt trời nhỏ nhoi, Tiếng đàn đứt dây,
Cuộc chia ly kỳ lạ, Giọng ngâm trầm trong gió đông khuya… Dường như
nó động đến nỗi niềm riêng sâu xa lắm mà bà chị tôi mỗi khi đọc lên cứ
trào ra nước mắt.
Bà bước vào ngưỡng tuổi cổ lai hy, ông tròm trèm bát thập. Cháu nội
ngoại của ông bà liệu có biết chăng mối tình xưa vẫn âm ỷ cháy khi các
cháu thơ ngồi lọt thỏm trong lòng hoặc âu yếm trong vòng tay của những
người tôn kính?!