môn lớp trên ở trường Nguyễn Trãi. Hồi ấy tôi chỉ biết anh là một trong
mấy tay “judo” có tiếng của trường. Sau anh học khóa đầu trường Nhạc Hà
Nội, cùng lứa với các ca sỹ nổi danh: Trần Hiếu, Quý Dương nhưng anh hát
không hay nên học khoa sáng tác. Ra trường anh làm công tác văn hóa văn
nghệ quần chúng cho đến lúc nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày
anh được mời ra Hà Nội dự lễ phong anh hùng cho đội “Thiếu niên Bát
sắt” thì mấy chú công an Đồn phường ở tầng chệt một chung cư trên đường
Trần Hưng Đạo giữa thành phố, mới biết đến ông già tuổi ngoại bát tuần,
nhà ở sát vách tường, hàng ngày mấy lần vác chiếc xe đạp lên xuống lầu
ba, là bậc tiền bối anh hùng một thuở. Riêng anh không muốn nhắc tới một
thời đã qua. Chỉ người thân thiết mới biết anh từng bị giặc Pháp bắt và
được “nếm” những trận đòn ở trại giam Hỏa Lò khét tiếng. Nhắc lại chuyện
cũ, anh chỉ nói một điều đơn giản: Gặp thời thế ấy thế thời phải thế có gì lạ
đâu!
Người thứ hai là anh Nguyễn Sỹ Vân. Tuy nhiên đến lúc anh bị bắt tôi
chỉ “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Sau này được các bạn anh trong Hội
học sinh kháng chiến thời ấy kể lại như sau:
Sau ngày 17 tháng 2 năm 1947, khi trung đoàn Thủ đô bí mật rút lui,
Hà Nội coi như lọt vào vòng chiếm đóng của quân đội Pháp. Đến cuối năm,
những người Hà Nội tản cư lục tục trở về ngày một nhiều. Muốn khuyến
khích người hồi cư đông hơn, chính quyền chiếm đóng cho phục hồi những
cơ quan công sở hành chính, sản xuất, các dịch vụ thương nghiệp và giáo
dục. Lúc đầu là các trường tiểu học và hai trường trung học công lập Chu
Văn An và Albert Sarraut được khai giảng sớm. Số dân hồi cư tăng dần lên
và dân từ các tỉnh lân cận bất ổn vì chiến tranh nhập thị ngày càng đông,
cùng với việc mở thêm hai trường trung học công lập là Nguyễn Trãi và
Trưng Vương (dành riêng cho con gái), nhiều trường tư thục được mở ra.
Tuy nhiên lòng người vẫn chưa quên hơn một năm hân hoan nao nức sống
trong độc lập tự do sau gần một trăm năm nô lệ. Dạo ấy sao mà vui thế.
Quanh Bờ Hồ, khắp các dãy phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Trống, Hàng
Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Dầu, Cầu Gỗ… cờ đỏ rực tươi vàng
chói. Những ngày thê thảm của năm Ất Dậu cùng nỗi uất ức trước dã tâm