năm ấy được mùa khoai lang và đậu xanh. Đến bữa, anh em ngồi quây
chung quanh một rổ xồng khoai lang luộc và một bát muối. Khoai đủ các
cỡ. Tôi xếp riêng ra ba loại củ theo kích thước to – vừa – nhỏ và gióng to
lên:
- Ở rừng thiếu thốn, ta chỉ được ăn đại táo và trung táo thôi. Bây giờ
có thêm tiểu táo nữa đây!
Tôi chỉ vào mấy củ to tướng bằng bắp tay bắp chân người:
- Ai muốn hưởng chế độ nào… thả cửa!
Tuy nhiên những củ càng nhỏ càng dễ nuốt. Trung táo nhất là tiểu táo
chẳng ai thèm. Anh Đỗ rủ rỉ:
- Tớ ăn ở với cậu có gì đâu mà cậu chơi khăm thế?
Tôi chột dạ và ân hận vì sự lếu tếu vô tâm của mình. Tan bữa, ai cũng
thủ về mấy củ để đầu giường, lúc nào buồn miệng lại ăn.
Ăn khoai lang hết ngày này sang ngày khác nóng ruột cồn cào lắm.
Những lúc lẻn ra đồng làm “em quận công” cũng không qua mắt được con
chó đói. Nó lẵng nhẵng đi theo và ve vẩy cái đuôi kiên trì đứng đó đợi chờ.
Nhưng rồi nó đành ôm nỗi thất vọng lủi thủi cúp đuôi buồn bã trở về!
Chuyển qua hái đỗ xanh non đem nấu như cơm. Nhưng ăn vào lại say đảo
mòng mòng ngầy ngật. Tuy nhiên vẫn phải ăn để sống. Anh em cải tiến bữa
ăn cho thích hợp: sáng ăn khoai lang, nóng ruột tha hồ uống nước. Chiều ăn
đậu xanh, lên giường nằm, say chán rồi ngủ luôn. Các cô du kích Hòang
Ngân mặn mà vui vẻ chiều chiều tụm lại đòi “Anh bộ đội hát cho chúng em
nghe với”!
Ăn uống kham khổ cùng với con ma sốt rét âm ỉ trong người từ những
ngày ở rừng lúc này nó mới bùng lên. Những cơn sốt rét bần bật rung
chuyển giường chiếu, tập trung ba bốn cái chăn đơn của anh em trùm lên
mà hai hàm răng vẫn đánh vo nhau cầm cập. Cơn rét trong người chưa dứt
thì cơn nóng từ từ dâng lên, tưởng như một cái lò lửa trong mình bùng lên
toả nhiệt ra khắp người. Chăn chiếu quẳng hết đi, trên mình chỉ còn chiếc
quần đùi. Anh Đỗ từng chịu sốt rét nhiều nên có kinh nghiệm, lấy khăn
nhúng nước lau khắp mình tôi. Tôi cảm thấy dìu dịu đi cơn nóng thì trong
đầu lại ong ong đau nhức đồng thời với cái thân thể đau nhừ. Tôi bảo anh