cảm ơn và lớn tiếng gọi xích lô (cyclo) cho về trường sỹ quan Nam Định.
Nhưng khi xe đi được một khúc xa, tôi nói nhỏ anh xe cho về phố Khách.
Xe dừng trước một hiệu bán vải. Chủ nhân là người Ấn Độ, vợ là chị người
bạn của tôi. Chị đưa tôi lên gác gặp người em Lê Hồng Ngãi. Tôi giật mình
vì khắp người bạn cuốn đầy băng trắng, mặt nám đen khói đạn. Anh bạn
nhận ra tôi mếu máo than: Ác qúa… tao mới bị hai hôm nay… không chết
nhưng mà đau lắm! Thì ra vào dịp quatorze juillet (14 tháng 7 – Quốc
khánh Pháp), lính Pháp được phép 24 giờ “xả cản”. Chúng lợi dụng thời
gian đó ra phố hãm hiếp phụ nữ hoặc cướp bóc phá phách. Chúng cướp
tiệm vàng, anh bạn xông ra quần nhau với nó và bị chúng tung lựu đạn rồi
tháo chạy. Hàng ngày bà chị đón bác sỹ tới nhà chữa vết thương cho em.
Tôi thấy ở đây không tiện, nói vài câu thăm hỏi rồi xách vali tìm nơi khác.
Tôi ghé vào một quán nước chè, ngồi quan sát xem có cái đuôi nào bám
không, sau đó gọi xe đi Chợ Rồng, lại chuyển xe về phố Hàng Tiện, đến
nhà anh Hà là bạn của Đỗ Đại Khoa. Bạn niềm nở đỡ vali đón tôi hỏi: Có
gì nặng thế? Tôi ghé tai bạn nói thẳng: Tòan bướm cả đấy! Bạn mang vali
lên gác để nơi kín đáo. Chúng tôi vừa ăn vừa bàn cách móc nối với anh em
trong trường sỹ quan. Sáng hôm sau tôi đi lững thững qua nhà máy dệt,
lảng qua trước cổng trường thấy Nguyễn Tô mặc đồ patigiăng (partisan)
quần lửng đang đứng gác. Chúng tôi trao đổi ám hiệu cho nhau, tôi lại quay
về Hàng Tiện. Sau đó các anh em nội tuyến trong trường lần lượt tới nhà
anh Hà nhận bướm mang về. Xong việc, tôi định về bằng máy bay, nhưng
ba ngày mới có một chuyến nên đành phải đi trên xe bus Con Thỏ trở về
cho sớm. Đến gần Phủ Lý, một xe khách bị trúng mìn, lật nghiêng, có
người chết. Lính kéo tới phong toả hai đầu đường, bắn xả đạn sang hai bên
đồng ruộng và làng mạc quạnh hiu. Chúng bắt tất cả khách xuống xe làm
việc lấp đường. Công việc mất chừng hai giờ lại khai thông, xe đi tiếp…
Qúa tam ba bận! Anh tài xế tây lai qua gấp bao nhiêu bận rồi? Mấy tháng
sau, nghe tin anh bạn Paul dễ mến ấy không thóat khỏi tai họa trên con
đường khủng khiếp này!
Tôi trở về trong sự mong đợi của bạn và em. Em ra mặt giận nhưng
vẫn lo cho tôi một bữa ăn giải mệt. Tuy nhiên chuyến đi công phu, nguy