giữa cái thời phong trào lãng mạn, tư tưởng bi quan đang cực thịnh, Vũ
Trọng Phụng đã là một nhà văn tiên tiến khả dĩ biểu dương quan niệm xã
hội, nhân sinh và đại chúng, những danh từ, hồi ấy, chỉ là phiếm ngữ, hư
văn được nêu lên bởi một nhóm nhà văn tư sản.
Thực vậy, Vũ Trọng Phụng đã có tinh thần đấu tranh và thiết thực.
Nhưng hỡi ôi! Phụng đã cả một đời chỉ có dịp tranh đấu một lần, để rồi
chưa kịp hưởng gì anh đã vội theo Thần Chết.
Đây là câu chuyện cũ: chúng tôi, một số lớn văn nghệ sĩ Bắc Hà - từ
1935 trở đi - đều giúp ông Vũ Đình Long mà dạo đó mặc dầu chúng tôi
không nhận, người ta cũng cứ gọi là văn phái Tân Dân, nghĩa là một văn
phái đối lập với anh em Tự lực văn đoàn. Sự thực đâu có thế, chúng tôi chỉ
là những nhà văn độc lập, những mảnh buồm tơi tả không bảo nhau mà giạt
cả vào một bến, bởi vì không có gió để ra khơi!
Nếu tôi nhớ không lầm thì năm ấy nạn kinh tế khủng hoảng làm lung lay
các xí nghiệp, thương gia. Bọn hàn sĩ chúng tôi chung ảnh hưởng. Thế là
Vũ Trọng Phụng nhìn quanh cái đói của anh em, đã cố ngóc đầu khỏi
giường bệnh, cổ xúy các bạn cùng tranh đấu, nghĩa là làm một bản yêu sách
tăng tiền nhuận bút. Chúng tôi họp ở căn gác tối tăm của anh Trương Tửu,
phố Hàng Gà, tuy Trương Tửu không viết gì cho họ Vũ. Khói thuốc lào,
thuốc lá, tiếng ho khù khụ, tiếng cười nhạt nhẽo gây cho căn phòng ảm đạm
một không khí nghẹn ngào, tức thở, khiến Lan Khai thu hình trong xó tối
đang gân cổ hít điếu thuốc bào chữa suyễn, long lanh đôi mắt cú rừng ái
ngại: “Họp thế này để làm gì? Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm một trò cười”.
Lưu Trọng Lư, một nhà thơ tình tứ, một con nai vàng ngơ ngác không
thích lá vàng mà lại thích giấy bạc hơn, bởi vì trên vai anh nặng một đàn
thê tử, đã trợn mắt quát: “Sao lại không kết quả! Thằng thì ho nát phổi
không biết đến thời kỳ thứ mấy, thằng thì rên suyễn gù gập cả xương sống,
thằng thì ôm mãi khăn áo đến nhà Vạn Bảo
cầm cố, đến nỗi khách trú nó
chán không cần nhìn mặt, thế mà cứ viết mãi tám hào một trang giấy rộng,