Trái ngược với các văn hữu khác, Vũ Trọng Phụng rất rụt rè. Hay tin
Phụng vừa viết xong một truyện, các bạn vội quay ngay đến căn gác lụp
xụp ở phố Hàng Bạc kia để đòi Phụng cho xem bản thảo. Phụng giấu kỹ tập
giấy dày cộm đóng cẩn thận như sách học trò vào ngăn kéo, chỉ miễn
cưỡng moi ra nếu bị đòi hỏi dữ, không chối được. Anh không thích ai đọc
văn mình trước mặt mình, e thẹn như cô gái nhà lành chịu ép ngồi cho
người ta xem mặt.
Thường lệ, anh vuốt ve bản thảo của anh, bận rộn quyến luyến đứa con
tinh thần ấy độ ba ngày rồi mới trao cho nhà xuất bản.
Vũ Trọng Phụng là một nghệ sĩ không ưa bừa bãi. Anh thủ tín và giữ lễ
như một nhà nho tự trọng, một nhà đạo đức chính tông. Không bao giờ anh
chịu sai lời hẹn với nhà xuất bản, ông chủ báo, khi đã hứa viết bài, đưa tác
phẩm. Trước mặt anh, một tấm thời khắc biểu đóng trên tường, kèm bên
một tờ giấy lớn, viết bằng mực đỏ ghi ngày tháng phải viết xong và danh
sách những người đã đặt tiền mua văn phẩm.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng làm việc chăm chỉ như một cậu học trò nghèo
và ngày đêm lo thanh toán nợ văn chương, không muốn để ai được phép
làm thương tổn danh dự và lòng tự ái. Đến nỗi những văn hữu sẵn tiếng là
chây lười, hay là đãng trí như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai,
Nguyễn Tuân - nhất là Nguyễn Tuân - đã bực mình gắt bên giường Phụng,
những ngày anh đang cố giãy giụa chống với hai làn phổi nát: “Cái đức tín
nghĩa và cái văn tài đầy đủ của người đã đến lúc có thể cho phép người
quỵt chơi dăm ba món nợ mà đời không ai dám rủa xả đã có lũ chúng ta
đây hứng chịu, trang trải sạch cho người. Can gì mà cứ ôm ngực, khạc mãi
máu vào giấy mực để mà lo trả nợ!”
Phụng chỉ mỉm cười. Anh vẫn khom lưng viết, ôm ngực viết Người tù
được tha là cuốn tiểu thuyết được tạo tác công phu nhất trong thời kỳ lao
phổi đang trầm trọng. Tiểu thuyết đó là thiên hồi ký của một chánh trị
phạm bị phát vãng ngoài Côn Đảo, do một tù nhân khác thuật lại cho Phụng