Hôm nay, tôi nghĩ đến anh, viết về anh. Đốt tâm hương, chiêu niệm anh
linh một cây thần bút, cái kẻ còn gửi mình vào buổi chợ chiều này còn thấy
dư đôi hạt lệ gọi hồn ma, thì thầm nói chuyện cùng ma.
Ờ, Phụng nhỉ, hình như 1929 tôi gặp anh tại văn phòng Ngọ Báo sau đền
Bà Kiệu. Việt Quang tức Bùi Xuân Như tức Micro (lại một văn hữu ngã vì
nát phổi!) đã chỉ cho tôi biết cái anh chàng mặc áo the thâm, khom cái
mình gầy trên bàn máy chữ lách tách trong xó tối và giới thiệu đó là tác giả
thiên truyện ngắn Chống nạng lên đường.
Người thư ký làm việc âm thầm và sống nghèo nàn nhũn nhặn kia đã
dám cam làm chân cậu ký quèn để tập viết thử một vài truyện ngắn, dăm
cột báo phụ trương, không hề mơ tưởng tiền nhuận bút. Độc giả thờ ơ đọc
và lạnh lẽo quên một nhà văn mới, có biết đâu rằng đó là ánh đuôi sao chổi
sẽ làm sáng cả một trời, và đó là một danh tướng bắt đầu chống giáo lên
yên để tung hoành trên trường văn trận bút.
Vũ Trọng Phụng đã chống nạng bước lên đường văn nghiệp. Cần cù,
nhẫn nại, Phụng lao thân ốm đi tìm một chân trời. Chân trời hé mở đón anh
với kịch phẩm Không một tiếng vang mà bạn anh chỉ một lần đem lên sân
khấu để rồi không một tiếng vang nào vọng lại.
Phụng thôi thí nghiệm kịch trường. Anh mê mải rẽ sang tiểu thuyết và
phóng sự.
Từ Lấy nhau vì tình lâm li lãng mạn đến tác phẩm sau cùng Trúng số độc
đắc (riêng tôi cho là chua cay, châm biếm, sâu sắc nhất), cây bút Vũ Trọng
Phụng quả đã là cánh đại bàng vượt Thái Sơn, Nam Hải.
Tuy nhiên, chưa hề có lần nào Phụng hài lòng. Dễ dãi cởi mở với cuộc
đời hung bạo bao nhiêu, Phụng càng khắc nghiệt, nghiêm nghị bấy nhiêu
với những tác phẩm mà anh chỉ dám coi là non yếu lắm.