Nhưng không, những văn gia yêu kính của tôi đã đến kia rồi. Tôi đứng
trên bao lơn gác vui mừng nhìn xuống, một đoàn xe tay kiểu mới rầm rộ
đỗ, trong số đó, tôi thấy có cả mấy cô rất đẹp, dáng chừng là nữ sĩ.
Tôi hồi hộp, luống cuống xức thêm nước hoa vào đầu, vào mùi xoa, quần
áo. Tôi gò lại cái nút ca vát cho bé hơn tí nữa, vì đó là mốt mới của giới ăn
chơi Hà Nội. Tôi đếm lại số tách uống nước và số ghế ngồi xem có đủ
không.
Chờ đến năm phút mà chưa thấy ai lên, tôi chợt nghĩ ra các ông bạn, bà
bạn danh giá của tôi có lẽ đang đợi chủ nhân xuống nghênh tiếp rồi mới
chịu lên. Hối hận mình thiếu xã giao, tôi vội chạy xuống dưới nhà. Vừa
bước hết bậc thang, tôi đã nghe thấy tiếng gắt nhau, mắng nhau ầm ĩ. Thì ra
các văn gia đang nhường nhau trả tiền xe, nhưng ai nấy đều vỗ túi để phân
trần là chẳng có một đồng chinh nhỏ. Tôi sợ nếu họ cứ vỗ túi phân trần với
nhau thế mãi, ắt sẽ xảy ra xung đột, vì tôi thấy mặt người nào cũng sát khí
đằng đằng, tôi vội nhanh nhảu chạy ra, nghiêng mình chào trân trọng, rồi
tươi cười tranh giả tiền cho tám anh xe vừa vặn chẵn một đồng bạc giấy.
Họ rầm rộ trèo lên thang gác. Gót giầy tây đóng cá, gót bọc sắt giẫm ầm
ầm, đến nỗi cái cầu thang ốm yếu sẵn phải trĩu mình xuống. Bà cụ chủ chạy
ra trợn mắt nhìn, làu nhàu chửi rủa bằng những câu tục nhất của những
người đàn bà An nam.
Bây giờ đến cuộc giới thiệu quý danh các danh nhân. Tôi nắm những bàn
tay thân ái một cách hân hoan cảm kích, tôi nghiêng đầu chào những bộ
mặt hoa một cách niềm nở, hữu tình.
Tôi lóng cóng pha nước đưa mời từng người một, đánh diêm châm hầu
thuốc lá từng người, lăng xăng chạy đi, chạy lại, rồi đỏ mặt khi nghe những
câu khen ngợi của các nhà báo, nhà văn đã hết sức phục văn tôi.