Cuộc đàm luận chứa toàn lời ca tụng về tôi đúng nửa giờ. Tôi cảm thấy
no nê vì những lời ca tụng ấy mà quên hẳn việc mời các bạn đi chả cá, nếu
nhà văn chính luận Quốc Hồn không cười rất lớn để phá tan cái không khí
văn chương bằng vấn đề “nghệ thuật vị nhân sinh”:
- Thôi Hồng Vân thi sĩ hãy cho đi chén đã, đói lắm rồi.
Hồng Vân thi sĩ! Các ngài nghe thấy gì chưa? Ông Quốc Hồn vừa gọi tôi
là Hồng Vân thi sĩ đấy! Thực là danh giá cho tôi. Vậy thì tôi còn đợi gì mà
không mở tủ sách moi nốt cái món tiền dành mua xe đạp để tối nay đem đi
khao cực kỳ long trọng cái mỹ hiệu “Hồng Vân thi sĩ” của tôi!
Tôi nhét tập giấy bạc vào ví, rồi dẫn đầu cả một đội binh danh sĩ ra ngoài
phố. Tôi ngửa mặt nhìn thiên hạ, tôi đi ngầm với bất cứ ai rằng: đừng vô
phúc mà chạm đến các bạn tôi, vì cô nữ sĩ của tôi đây sẽ làm ngay bài thơ
đăng báo chửi, nhà báo của tôi kia sẽ viết ngay một bài thời sự đại hải tràng
giang để nói xấu kỳ cho kẻ vô phúc ấy phải đến tòa báo mà xin lỗi bằng vài
chục bạc mới tha. Trêu vào nhà báo, nhà văn, tức là chạm phải vía hung
thần. Ấy, tôi yên trí thế, là vì các bạn tôi thường nghiêm nghị tự trỏ vào
ngực bảo tôi rằng: “bọn chúng ta là thần linh cả, vì bọn ta sống trên một thế
giới tinh thần cao khiết”.
Nhưng lúc này, khi mà những cặp chả cá đã bốc mùi thơm ngào ngạt trên
chiếc hỏa lò than nóng, khi mà mùi mắm tôm sặc sụa trên mặt chiếc bàn
bừa bãi những bánh đa, bún, lạc rang, rau mùi, và rượu đổ ra lênh láng, tôi
mới thấy cái câu nói trên kia hơi sai nghĩa. Vì các văn nhân của tôi ăn một
cách tục tĩu vô cùng. Tôi không ngờ những miệng hoa kia ban nãy ngâm
cho tôi nghe những câu thơ Đường bằng một giọng êm như tiếng nhạc cung
thiềm, vậy mà, lúc này những miệng hoa ấy ăn hung tợn như gấu ăn trăng.
Tôi không ngờ những văn nhân của tôi lúc này ăn dữ dội tựa một bọn người
chạy lụt đói bảy ngày và nói bẩn quá những kẻ tầm thường, đểu cáng.