Các anh các chị ấy luôn luôn thúc giục tôi làm thơ, họ bảo rằng về văn
nghiệp, tôi sẽ có một tương lai to tát lắm.
Mỗi khi làm xong được mấy bài thơ, hoặc đoản thiên tiểu thuyết, tôi lại
để dành tiền đi mua bánh đậu xanh, chè tàu, thuốc lá, rồi viết giấy đạt mời
các bạn văn thơ đến họp mặt dự tiệc trà và phê bình tác phẩm của tôi. Ái
Hoa, Ái Nguyệt tranh nhau ngâm thơ tôi, Kiếm Thần, Quốc Bảo tranh nhau
đọc đoản thiên của tôi rồi cả bọn vỗ tay ầm ầm tán thưởng. Mỗi lần như
thế, tôi lại thấy người tôi lớn hơn một chút, và danh giá to hơn một chút.
Dần dần, tôi nhận thấy Ái Hoa, Ái Nguyệt, hai người có ý ghen tỵ nhau
để yêu tôi và để được tôi yêu. Tôi thường niềm nở, đi chơi với cả hai
người, thường mua quà tặng cả hai người, nhưng thực tình thì tôi yêu quý
Ái Hoa hơn bởi Ái Hoa có một giọng rất hay để ngâm thơ, mà nàng lại
dùng giọng ấy để ngâm thơ và bình văn tôi thì còn có thi vị nào bằng!
Từ đấy tôi mê man về yêu đương, văn chương và bạn hữu.
Tiền cha mẹ tôi ở Huế gửi ra tháng tháng, tôi dùng để mời các bạn đi ăn,
đi hát, để mua cho Ái Hoa, Ái Nguyệt đủ các tặng vật đắt tiền.
Tiêu pha liều lĩnh quá, tôi phải vay lãi bà chủ trọ và nợ ba bốn tháng
cơm. Bà cụ đã có ý ghét tôi, càng ghét lũ bạn tôi hễ đến là giẫm ầm ầm
thang gác, cười nói như bọn giặc.
Ngày xuân sắp đến. Các bạn một hôm kéo đến nơi tôi trọ để họp mặt.
Bàn luận hồi lâu, kết cục các bạn nhất quyết khuyên tôi nên xuất bản một
cuốn văn mùa xuân. Coi đó là việc to tát quá, tôi rùng mình, giẫy nẩy lên
mà chối, vì tôi vẫn cảm thấy văn chương mình hình như còn dở lắm.
Nhưng các bạn văn cam đoan sẽ làm giúp tôi nhiều bài thật đặc sắc mà lại
cho tôi làm tác giả. Các nhà báo thì hứa sẽ viết bài phê bình ca tụng nó, kỳ
cho sách chạy hết, thu vài trăm bạc về đi hát mới nghe. Ái Hoa, Ái Nguyệt
thì ôm lấy cổ tôi mà nói nựng như dỗ trẻ: “Anh nên cho đời biết tài anh để