chúng em được thơm lây! Nếu không, tình nghĩa chúng ta kể từ đây là đoạn
tuyệt…”.
Nghe những lời thúc giục, khuyến khích ngon lành ấy, tôi xin phép các
bạn cho tôi mười phút để nghĩ cho lung đã. Tôi tưởng tượng hàng mấy
ngàn cô gái đẹp nõn nà sẽ ấp ủ cuốn sách của tôi vào lòng, sẽ đặt nó xuống
dưới gối thêu khi ngủ để mộng một cuộc viễn du khắp trời xuân xa lạ với
nhà thi sĩ đa tình. Khắp mọi chỗ sẽ có sách tôi, mọi người sẽ đón đọc văn
tôi, cuộc hội họp ở các văn phòng sẽ kính cẩn nhắc đến cái tên “Hồng Vân
thi sĩ”. Thật là vinh dự. Vậy còn lo gì mà không cho cuốn “Hương xuân” ra
chiếm một địa vị trên văn đàn Việt Nam?
Tôi ưng thuận. Và khi cuộc họp tan, anh Kiếm Thần dắt tôi đến nhà in
điều đình việc in sách, in quảng cáo. Xong việc ấy, anh Quốc Bảo dắt tôi
đến nhà Vạn Bảo để tôi len vào đám đông người cầm cho chú khách Tầu tất
cả những quần áo tôi mới may để lấy tiền đặt cho ông chủ nhà in. Vừa xong
việc, Ái Hoa, Ái Nguyệt kèm tôi đi đến nhà một me tây già để bắt tôi xỉa
tiền ra chuộc hai bộ cánh tân thời mà vì thua chắn, hai ả đã phải cầm tạm từ
tuần lễ trước.
Mấy ngày sau, khắp các mặt tường đầu phố, khắp các cửa hàng hiệu sách
ở Hà thành, người ta đã thấy mảnh giấy vàng in hai chữ “Hương Xuân” và
cái tên “Hồng vân thi sĩ” thực lớn bằng mực đỏ.
Mấy ngày sau nữa, trong khi khắp vỉa hè phố hàng Bồ, hàng Gai, các
thầy đồ ngồi bán tranh Chuột, bán câu đối đỏ, chợ Đồng Xuân bán đào, bán
quất, bán các thực phẩm dùng ngày Tết, thì ở khắp hiệu sách người ta cũng
bày món hàng văn chương cao quý của tôi.
Đêm nào tôi cũng trằn trọc trong chăn với trăm thứ mộng tình tốt đẹp.
Sáng nào tôi cũng dậy rõ sớm cạo mặt, chải dầu bóng, mặc bộ tây cũ còn
sót lại nhưng tôi đã thuê là gần như mới, mắt đeo cặp kính trắng mà Kiếm
Thần đưa tôi mượn cho có vẻ đại gia thi sĩ, rồi tay cắp một mớ báo cũ, một