Ông bạn già không ngồi, cáo đi ngay, nói là có người đợi ở bên ngoài.
Tối hôm sau, trăng sáng hơn, tôi lững thững ra đường bách bộ. Ánh trăng
giãi trên con đường bụi trắng, bóng tôi đổ lẫn vào bóng lá cây.
Đến một ngôi nhà lợp rơm, kiến trúc dân Chăm, tôi lại quen thói thường
đứng lại. Ngôi nhà ấy mới dựng chừng một hai năm nay, tôi yêu thích lắm.
Tôi đoán chủ nhân tất phải là tay lịch duyệt, đã già, đã trải sự đời, đã chán
chường tất cả, về đây an dưỡng. Cho nên tuy chưa hề trông thấy chủ nhân
lần nào, tôi cũng thầm kính trọng mỗi lần qua đó.
- Kìa, ông bạn trẻ tôi ơi!
Người vừa reo lên đó, ở một chỗ tối nhất đi ra. Ông bạn già tôi, ông bạn
đã kể qua cuộc đời cho tôi nghe trong một lúc có lẽ lòng đau khổ nhất, cảm
động nhất, tiếc hận nhất.
Ông thì thầm bên tai tôi:
- Đấy, cái cơ nghiệp cuối cùng trong cuộc đời cần cù của tôi đấy ông bạn
ạ. Tôi gây dựng nó, để dưỡng tuổi già với vợ tôi. Vợ chồng tôi ở đây được
vừa hai tháng. Ờ... ờ... đã có ít nhiều đêm trăng đẹp như thế này, đôi mái
tóc trắng của chúng tôi đã sát vào nhau trên bao lan kia. Vậy mà ngày nay
cơ nghiệp kia đã không thuộc về chúng tôi nữa! Ông bạn ơi! ông có hiểu tại
sao không? Nhưng đó cũng chỉ là sự thường ông ạ. Việc tôi được hưởng
hay không được hưởng nữa, âu cũng là ý trời. Tôi không phàn nàn gì cả.
Duy chỉ còn tối tối, nhất là những đêm có trăng, tôi, có khi cả vợ tôi, nếu bà
ta không ốm, thường qua nhà cũ để nhìn ánh sáng đèn quen thuộc dọi ra
quãng đường vắng vẻ này.
Chợt ông già im lặng. Mắt ông mở to. Miệng ông mím chặt lại. Hơi thở
ông rộn gấp. Cái gì? Tôi nhìn theo chiều mắt ông nhìn. Ở trên bao lan có
hai cái đầu xanh. Tiếng hát êm ru của một người con gái bay ra ngoài.
Bóng áo như bóng hoa qua lại bên rèm. Tiếng đàn vọng mênh mông. Tiếng