Người xưa cảnh cũ bây giờ...
N
ói đến đồ cổ và cây cảnh là nói đến cái vạn niên vạn đại của trời đất, của
thiên nhiên. Trời đất đã không cùng thì lời nói cũng không cùng. Những
nhà cổ học uyên bác trên thế giới, qua nhiều thế kỉ, đã tốn nhiều giấy mực.
Riêng ở cái xứ sở mình, trừ số rất ít nhà hiếu cổ, đã quan tâm đến đồ cổ vào
khoảng nửa sau thế kỉ XX, còn quần chúng thì chẳng mấy ai coi nó là
những thứ kỳ trân bảo vật đáng thương tiếc, đáng sưu tầm, nếu không nói là
đáng thờ kính.
Từ kỉ nguyên đồ đá, đồ đồng, ở Trung Quốc, chín cái đỉnh vĩ đại đồng
vàng đời Đông Chu đã đánh dấu lịch sử phương Đông về kĩ thuật sử dụng
kim loại. Trong khi ấy, trên thế giới, Cổ Hy Lạp, Ai Cập... cũng đã cho
nhân loại thấy những tác phẩm thần kỳ, siêu thánh. Đến bây giờ, hầu hết
những công trình ấy đang nằm dưới đáy đại dương, trong lòng trái đất, kể
cả bao nhiêu lầu vàng gác ngọc, thành trì sắt đá của những kỉ nguyên đế bá
ngàn xưa. Không còn gì hết! Có chăng còn rơi rớt lại một số đồ nhỏ bé
thuộc loại gia dụng của cổ nhân Trung Quốc, Việt Nam (thường kể tự Lý,
Trần) mà ta đôi khi được may mắn gặp, thêm hoài nghi là thứ bậc cổ đại,
trung đại, cận đại, hay “hiện đại Đài Loan”, mặc dù có hoặc không dấu ấn.
Quả vậy, nói đến đồ cổ là nói đến cái không cùng. Vấn đề thuộc loại “bất
khả tri”, ta dành riêng và tôn trọng công việc của các nhà khảo cổ.
Hãy nhìn cái trước mắt, nói câu chuyện hôm nay. Chuyện về thiên nhiên,
cây cảnh. Thiên nhiên cũng là cái không cùng. Hiểu được đôi chút về nó
cũng là khó lắm rồi.