màu men xanh rêu, xanh bí, tím than, trong đó thạch lan, thạch cúc, thạch
trúc, cùng các loại cây thế hình thù kỳ lạ. Cây dưới nhà trồng trong những
bể, những chậu to. Cây trên sân gác, nhiều đến không đếm xuể, cũng chậu,
bể, đủ hình đủ dáng, mỗi cây một vẻ, một bố cục riêng.
Tranh của danh họa, tĩnh vật hay phong cảnh đẹp biết mấy thì cũng chỉ là
phiến diện - một mặt phẳng thôi - Vĩnh lão gia ở đây, qua cách chơi cây, tài
sáng tạo còn được người xem ưa thích hơn xem tranh vẽ. Tác phẩm của cụ
Vĩnh - không nói phù điêu - đều nổi thành hình khối, phô trương màu sắc,
đường nét ra bốn mặt. Người chơi cây cảnh bình thường thì cây thế nào cứ
thế cắm vào lòng chậu, lấp gốc tưới hàng ngày, cây không chết là mãn
nguyện rồi. Vĩnh tiên sinh trồng cây là sáng tạo. Cụ cắt xén cây, lột xác cây,
biến dạng cây, trồng nghiêng, trồng ngả, ngọn xấu cắt đi, kéo cành lên thay
ngọn, thân gốc bé lấy vỏ cây khác đắp vào cho gốc to hơn, kĩ thuật đắp gốc
cây khéo đến không ai biết là gốc giả. Qua một cơn đau nhức, cây được
nằm trong chậu, chờ được sống. Ngồi nhìn cụ cắt xén thân cây bé nhỏ mà
cảm thấy xót cho cây, bởi tôi nghĩ nó cũng biết đau như con bệnh dưới dao
giải phẫu. Tình cờ, tôi được trông thấy trong một góc sân kín một đống xác
cây đã chết khô. Tôi lẩm bẩm: “Đống xương vô định đã cao bằng đầu”. Cái
tò mò của tôi phạm đến tự ái nhà chơi cây bậc thầy. Cụ cười gượng, bảo tôi:
“Tự cổ, mỹ nhân khó sống lâu. Bao Tự, Tây Thi, Hạ Cơ, Ly Cơ... đều yểu
mệnh. Tôi giết cây kể đã nhiều. Tôi không tiếc. Thà hưởng cái đẹp của
ngọc mỹ nhân dăm ba ngày còn sướng hơn chịu nhìn cái xấu nửa đời
người”.
Tài cắt xén cây, chọn cây, am hiểu tính nết cây, nhớ thời vụ hoa tàn nở,
chúng tôi, môn đồ cụ, đều bái phục. Duy có điều không giấu được là cụ
Vĩnh đôi khi xuất hiện nguyên hình là bạo chúa đối với cây. Tôi không thể
quên lần xem cụ trồng một cây cực đẹp. Tôi đánh giá cây đó đứng vào bậc
nhất vườn nhà cụ. Đột nhiên, cụ mài sắc lưỡi dao con, rồi cắt đứt ngọn cây,
chẻ nát nó ra, bôi tí thuốc nâu vào. Tôi kinh ngạc nhìn cụ. Cụ bảo: “Đó là
cây trời đánh. Nó mà sống thì mới lạ”. Thật lòng, tôi thương cái cây xấu số.