Người Việt vốn yêu tạo vật, chủ về cỏ, cây, hoa đá. Thời xưa, tình người
gắn bó với tạo vật thắm thiết hơn nhiều so với thời này. Bởi cái vui buồn
của con người sẵn sàng được chia sẻ với cỏ cây, bất cứ ở đâu cũng có cỏ,
cây, hoa, đá, núi, rừng, sông, biển. Không gian không chật hẹp, thắt bó như
thời đại mới này. Cái thú điền viên tồn tại trong bất cứ người mưu sinh nào
đã quá thăng trầm, mệt mỏi. Nhà nào cũng cố thu vén kỳ được một mảnh
vườn con, trồng rau đỗ xen lẫn trồng hoa. Nhà nho về già, bất đắc chí, càng
cần bầu bạn cùng hoa lá. Rượu lưng bầu, thơ dăm bạn. Trồng hoa, cố nhân
ưa nhất là hoa cúc.
Yêu hoa gì đẹp bằng yêu cúc
Cúc đã tàn rồi thật hết hoa.
Trong trời đất, không còn cúc, chẳng còn hoa gì nữa. Yêu cúc mà sùng
bái đến như vậy, kể thật quá si, quá đáng. Bởi nó hợp với người quân tử -
“Diệp bất li thân, hoa vô lạc địa (lá chẳng lìa cành, hoa không rớt đất). Cao
Bá Nhạ gặp lúc thời thế đảo điên, lẩn trốn về nơi hoang dã, nằm yên trong
cảnh bần hàn “Cúc dăm ba khóm, mai vài bốn cây”, vậy thôi, mà cũng
chẳng được yên, đầu vẫn rụng, không thể đọ cùng hoa cúc.
Bình sinh, tôi ngày còn là anh học trò nghèo, trọ nhà một cụ đồ nho,
ngày ngày đỡ cụ tưới hoa, chậu cảnh ở tỉnh Đông (Hải Dương). Cụ giảng
giải cho nghe cái thú chơi cây cảnh, chủ yếu là lan, gần như đủ loài lan quý.
Sau đó, rời vườn hoa nhà cụ, tôi về Hà Nội, lao vào cuộc sống, dần dần
quên đi cái mộng điền viên.
Cho đến năm tuổi đã xế chiều, tôi lại thấy thèm cái thú cây cỏ cũ. Tôi
tìm đến mấy nhà chơi cây cảnh ở Hà Nội. Duyên may được gặp cụ Vĩnh
(thường gọi là cụ Vĩnh Hàng Trống). Lần đầu tới viên môn bậc lão thành,
tôi bất giác giật mình, bỡ ngỡ, tưởng như mình là anh chàng Từ Thức lạc
Đào Nguyên. Mấy gốc mai già hoa lá kín nửa sân, lối đi lát đá phiến trắng,
kẽ đá hở cho cỏ mọc. Hàng hàng chậu cảnh, mặt giàn, bể lớn, bể bé, đủ