luật: cắt xén tiền lương, cũng có thể bị sa thải. Nhờ vậy, các tác giả của Tân
Dân ít phải phàn nàn về lỗi nhà in mà người viết sợ hơn là sét đánh.
Phổ thông bán nguyệt san: Như tên đề, nửa tháng in một cuốn, không
quá 200 trang, không trên 0, 25đ. In loại đẹp trung bình. Loại này chạy nhất
nhờ những tên sách lịch sử, diễm tình, phần lớn là li kỳ, rùng rợn, độc giả
trẻ nam nữ rất thích.
Tất cả các loại trên, không in quá con số 2.000 cuốn. Riêng tiểu thuyết
Lê Văn Trương thường được in tới 3.000 cuốn.
Những loại sách lôi cuốn bạn đọc thanh thiếu niên dữ dội và liên tục:
truyện võ hiệp, kiếm hiệp, như loại “chưởng” ở miền Nam trước giải
phóng.
Trước một địch thủ “sức địch muôn người” như Nhà xuất bản Tân Dân
93 Hàng Bông, các nhà xuất bản khác trong Hà Nội hoảng sợ, song không
có cách gì hạ được họ Vũ, mà chỉ còn cách ngồi nhìn tiền bạc trôi vào quỹ
sắt nhà họ Vũ như thác đổ. Thật vậy, phải nói là tiền độc giả Trung, Nam,
Bắc đổ vào nhà họ Vũ Đình Long như nước vỡ đê!
Duy có một phản lực lớn mạnh khiến Vũ Đình Long e ngại là nhóm Tự
lực văn đoàn. Hàng tuần tờ Phong hóa rồi tiếp đến Ngày nay, cơ quan ngôn
luận của nhóm Nhất Linh, thẳng tay lôi Vũ Đình Long lên mặt báo, sử dụng
tranh trào phúng, thơ văn hài hước, gọi Nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng
Bông là động Tân Dân, Vũ Đình Long là Tiên ông Vũ Đình Long phun
kiếm ra tiền (tranh bìa, tranh ruột báo hàng tuần, họa sĩ Tô Tử vẽ Vũ Tiên
ông hếch mũi lên trời, kiếm ở hai lỗ mũi phun ra tơi tới, tiền theo kiếm ào
ào chảy vào tay áo thụng của Vũ Tiên ông. Ngoài cửa Nhà xuất bản, tức là
ngoài cửa động Tân Dân, cả gia đình họ Vũ, từ Tiên mẫu, Tiên bà, Tiên
cô... đến các Tiểu Tiên đồng, giúp Tiên ông, đem rổ rá ra hứng tiền độc giả
mê say sách thần tiên kiếm hiệp).