Molière, Tartuffe (Đạo đức giả). Vở này, trước Cách mạng, được đem ra
diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khán giả thủ đô hoan nghênh nhiệt liệt. Năm
1955, tiếp quản thủ đô, một đoàn kịch nhà nghề của Hà Nội lại công diễn
Đạo đức giả. Dư luận xôn xao. Chê và khen náo nhiệt.
Bước đầu vào nghệ thuật sân khấu, Vũ Đình Long, sáng tác vở kịch bốn
màn: Chén thuốc độc. Vở kịch đầu tay, được kiều bào bên Pháp dịch ra
Pháp văn, và đã được biểu diễn tại Paris.
Ông Vũ Đình Long, năm 46 tuổi như vậy đó, khởi nghiệp bằng kịch bản
thành công mang cái nhan đề rùng rợn Chén thuốc độc, để rồi, năm 1961,
họ Vũ (đây là một tin đồn, một giả thuyết) cáo chung văn nghiệp cũng bằng
kịch bản đau thương ấy (?).
Ông Long là người đã xuất bản một số lượng khổng lồ tác phẩm văn học
từ 1930 đến 1945; sau đó, có hoạt động, nhưng không đáng kể. Như tôi đã
nói, khắp Đông Dương, hàng ngàn đại lí sách báo của ông, nhờ ông, đã làm
giàu. Duy, điều đau xót nhất là một số lớn anh em thợ nhà in Tân Dân đã
cam phận để nhà xuất bản bóc lột, không hề dám nghĩ đến đấu tranh. Đây
là lớp thợ “mồ hôi bôi dầu mỡ”. Bên cạnh lớp thợ dầu mỡ, còn lớp thợ viết,
lớp thợ “mực mài nước mắt”; lớp thợ nhà văn - cả bút lông, bút sắt, cũng
không hề nghĩ đến đấu tranh đòi cơm áo, cũng cam phận sống nghèo, sống
khổ, suốt “mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu hận”.
(Tạp chí Văn học, số 1-1991)